Còn nhớ, khoảng 5 năm trước, người Thái Lan từng nói những lời “bề trên” về bóng đá Việt Nam rằng, trong khi Thái Lan mơ ước vươn tầm châu lục thì Việt Nam chỉ có mơ ước thắng được Thái Lan. Họ có tầm nhìn, có cao vọng song tiếc thay sau hai lần thất bại nặng nề tại vòng loại cuối cùng World Cup thì họ chựng lại. Những lứa trẻ tiếp theo của bóng đá Thái Lan không những không xuất sắc hơn lớp đàn anh mà còn thua sút trước các đội tuyển Malaysia, rồi Việt Nam ở các đấu trường khu vực và không đến được vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ai dám chắc “Hội chứng hậu vòng loại World Cup” hay chu kỳ lên-xuống không diễn ra với bóng đá Việt Nam?
 |
Trận đấu với UAE là cơ hội để đánh giá đúng sức mạnh của đội tuyển Việt Nam. Ảnh:TTXVN. |
Chúng ta đang chia sẻ những vui buồn và mổ xẻ những được và chưa được của đội tuyển Việt Nam sau một hành trình dài tại vòng loại World Cup. Bài học nhiều lắm nhưng trước sau gì thì cơ bản vẫn là đào luyện các thế hệ cầu thủ kế cận. Không có quân hay tướng giỏi thì ước vọng được chơi ở vòng loại thứ 3, thậm chí vòng loại thứ 2 thôi đã khó chứ đừng nói đến chinh phục tấm vé đến World Cup. Dù kỳ World cup 2026 mở rộng số lượng vào vòng chung kết, trong đó châu Á có đến 8,5 suất song thực tế cho thấy, nhiều nền bóng đá châu lục đã mạnh lên rất rõ. Các đội tuyển Tây Á, Trung Á được đầu tư bài bản hơn, được các huấn luyện viên tài ba, giàu kinh nghiệm huấn luyện, cầm quân nên lối chơi được nâng tầm, chặt chẽ, khôn ngoan và hiệu quả.
Ngay trong khu vực, Thái Lan đang lấy lại vị thế xưa, Indonesia, Malaysia, Singapore đã vào nhịp phát triển mới. Tính cạnh tranh trong khu vực và châu lục mỗi ngày mỗi cao hơn, quyết liệt hơn. Biết điều này nên huấn luyện viên Park Hang-seo cùng những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam không say sưa với kết quả đã gặt hái trong thời gian qua. Thay vào đó là sự quan tâm khá đặc biệt cho các lứa trẻ U.23, U.21, U.19, U.17. Trọng tâm trước mắt là U.23 với mục tiêu bảo vệ tấm huy chương vàng tại SEA Games 31 trên sân nhà.
So với lứa U.23 từng chinh chiến ở Thường Châu, lứa U.23 này không được đánh giá cao bằng, nhất là không có những cá nhân nổi trội. Hãy cùng điểm lại lứa này có gì và chưa có gì. Trước hết là khát vọng thể hiện để tiếp nối các đàn anh. Điều này đã có với kết quả vượt qua vòng loại U.23 châu Á 2022, đặc biệt là chơi hết mình và hiệu quả để giành chức vô địch Giải U.23 Đông Nam Á 2022 trong bối cảnh bị dịch Covid-19 lây nhiễm nặng nề. Tiếp đến là tinh thần đó được thể hiện phần nào tại Giải U.23 quốc tế-Dubai Cup 2022 vừa diễn ra. Điều họ có thứ hai là được đào tạo trong các câu lạc bộ, những trung tâm một cách bài bản, cách thức mới. Thứ ba là được lựa chọn và thi đấu khá nhiều theo sách lược “xen canh gối vụ” của thầy Park. Từ đó, họ đã quen với lối chơi sở trường phối hợp nhóm, phòng ngự-phản công của đội tuyển quốc gia. Ở chừng mực nhất định, ngôi vô địch U.23 Đông Nam Á cũng là vốn liếng giúp họ tự tin. Còn gì nữa? Đó là những cầu thủ cùng trang lứa đã được chơi cho đội tuyển quốc gia, như: Thanh Bình, Việt Anh, Hoàng Anh, Văn Xuân... Trong đó, Thanh Bình và Việt Anh đã trưởng thành rõ rệt, tạo nên sự yên tâm trong hàng hậu vệ...
Họ chưa có gì hay hạn chế là gì? Dù số lượng đông song cầu thủ nổi trội chưa có và cho đến đợt huấn luyện cao điểm chuẩn bị cho SEA Games 31 thì đội hình chính vẫn chưa được xác định. Không như lứa trước khi các cầu thủ đến từ hai nguồn chính được chơi cùng nhau nhiều là Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội FC, lứa U.23 hiện tại tập hợp từ nhiều nguồn nên sự ăn ý, nhuần nhuyễn chưa cao. Đây là lý do khiến hàng tiền vệ và tiền đạo của đội chưa gắn kết, chưa tạo được sự đột biến trong công phá. Hiệu suất ghi bàn thấp, đặc biệt là tại Dubai Cup còn không ghi được bàn nào qua 3 trận.
Kể ra vậy để thấy dù đã chủ động; công phu kèm cặp song với lứa U.23 thứ hai trong tay, thầy Park phải dốc công sức và tính toán cặn kẽ hơn. Hy vọng là với 3 cầu thủ trên 23 tuổi tiếp ứng, ông sẽ có những điểm tựa để kết nối đội hình trẻ. Và SEA Games 31 sẽ là bệ phóng đầu tiên để lứa trẻ mới càng đá càng tiến bộ, trưởng thành.
NGUYỄN ANH