Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam khẳng định: Thể thao Việt Nam cần nhìn lại mình sau SEA Games 31.
Phóng viên: Chứng kiến những màn tranh tài sôi nổi tại SEA Games 31, ông đánh giá như thế nào về phong độ các vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Minh: Tính đến chiều 21-5, đoàn thể thao Việt Nam đã sở hữu 169 huy chương vàng, 101 huy chương bạc và 100 huy chương đồng. Đây là thành tích vượt ngoài mong đợi, bỏ xa chỉ tiêu 140 huy chương vàng mà ngành thể thao Việt Nam đặt ra trước SEA Games 31. Nhiều bộ môn của thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc để dẫn đầu toàn đoàn, trong đó đặc biệt là những nội dung nằm trong hệ thống chính thức của Olympic.
Tiêu biểu trong đó là điền kinh khi các chân chạy của Việt Nam đã lần đầu tiên trong lịch sử cán mốc 22 huy chương vàng. Có nhiều bộ môn, nội dung không phải là thế mạnh của chúng ta như marathon, ném lao, hai môn phối hợp… đã xuất sắc giành vị trí cao nhất. Đến giờ phút này, tôi cho rằng, đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games rất thành công.
 |
Đô cử Hoàng Thị Duyên giữ phong độ ổn định tại SEA Games 31. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Phóng viên: Vậy còn công tác tổ chức thì sao, điều mà ông luôn băn khoăn trước khi SEA Games 31 khởi tranh?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước khi SEA Games 31 khởi tranh, tôi đã từng băn khoăn rằng: Không biết Ban tổ chức sẽ chạy đua với thời gian như thế nào khi đứng trước một núi công việc quá lớn. Rõ ràng, chỉ vài tháng trước thôi, nhiều quốc gia khu vực vẫn lo ngại về công tác tổ chức SEA Games 31. Tác động của dịch Covid-19 là quá nặng nề, nhiều địa phương phải vừa chống dịch, vừa bảo đảm hoàn thành tiến độ cải tạo cơ sở vật chất.
Bằng quyết tâm cao và sự tận tâm, chu đáo, các cơ sở tổ chức SEA Games 31 đều đạt chất lượng tốt, nhiều nơi đạt đẳng cấp hàng đầu quốc tế như cụm sân quần vợt, nhà thi đấu bi sắt… Những ngày diễn ra SEA Games 31, các trưởng đoàn, quan khách, trọng tài khu vực và quốc tế đều ghi nhận, đánh giá rất cao nỗ lực tổ chức đại hội của Việt Nam. Chúng ta có thể vui mừng và tự hào về điều đó.
 |
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: VIỆT CƯỜNG |
Phóng viên: Trong những ngày diễn ra SEA Games 31, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Đó là hình ảnh những khán đài chật cứng khán giả. Đó là tình cảm nồng hậu, mến khách của người dân Việt Nam đối với du khách, bạn bè quốc tế. Đó là ngày hội văn hóa du lịch đặc sắc khi nhiều địa phương giới thiệu những sản vật độc đáo, có nhiều chương trình ưu đãi kích cầu du lịch. Đó còn là hình ảnh một kỳ SEA Games xanh không rác thải nhựa, không khói thuốc…
Điều mà tôi ấn tượng nhất là tinh thần cổ vũ cao thượng của người hâm mộ Việt Nam. Hình ảnh hàng nghìn cổ động viên Nam Định kéo đến sân Thiên Trường cổ vũ cho các đội bạn dù không có U23 Việt Nam thi đấu là điều tôi nhớ nhất. SEA Games 31 đã góp phần nâng tầm hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phóng viên: Theo ông, liệu thành tích tại SEA Games 31 có phản ánh đúng trình độ của các nền thể thao quốc gia Đông Nam Á?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Đúng với tinh thần tạo ra sân chơi công bằng, sòng phẳng, tại SEA Games 31, không chỉ thể thao Việt Nam mà các nền thể thao trong khu vực có cơ hội nhìn lại để biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Dù giành được nhiều thành tích cao, nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn đặt ra vấn đề rằng: Các nước đã cử hết lực lượng mạnh nhất tranh tài chưa? Thông số thi đấu tại những môn Olympic của Việt Nam tại SEA Games 31 như thế nào? Chúng ta cần đầu tư trọng điểm vào những vận động viên nào để hướng tới sân chơi ASIAD, Olympic? Sau SEA Games 31, ngành thể thao Việt Nam cần trả lời được những câu hỏi đó để có lộ trình đầu tư phù hợp, thích đáng.
 |
Cổ động viên Việt Nam ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Phóng viên: Theo ông, ngành thể thao Việt Nam cần làm gì sau SEA Games 31?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Thể thao Việt Nam muốn vươn tầm ASIAD hay Olympic thì cần phải có một lộ trình đầu tư có hệ thống. Hệ thống ấy kéo dài nhiều năm, được giám sát chỉ đạo chặt chẽ, được đầu tư cao (chịu tốn kém). Hệ thống ấy phải được ứng dụng khoa học kỹ thuật, tác động vào con người phải được giám sát, đánh giá, kiểm tra.
Vận động viên phải được bảo đảm về dinh dưỡng, được hồi phục thể trạng một cách chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, điều này hầu hết từ trung ương đến địa phương không bảo đảm, nên nền thể thao chậm phát triển chưa thể tới đỉnh cao Olympic. Quy hoạch phát triển thể dục thể thao, xây dựng các vùng trọng điểm và trung tâm trọng điểm về đào tạo tài năng thể thao vẫn chưa làm được. Bởi vậy, tôi cho rằng sau SEA Games 31, ngành thể thao Việt Nam cần nhìn lại mình để có chiến lược, đường hướng phát triển đúng đắn nhằm giúp thể thao nước nhà khắc phục những hạn chế, khó khăn cho mục tiêu nâng tầm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
HOÀI PHƯƠNG (thực hiện)