Vượt qua bao khó khăn, Nguyễn Văn Lai, Trần Hưng Nguyên cùng nhiều đồng đội bước lên bục cao nhất nhận huy chương, trở thành niềm tự hào của thể thao nước nhà và thể thao quân đội.

Hậu phương vững chắc

Chứng kiến giây phút ông xã Nguyễn Văn Lai giành huy chương vàng (HCV) nội dung 5.000m ở SEA Games 31, chị Đinh Thị Hương vô cùng xúc động. Trên khán đài Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), chị Hương cùng hai con cổ vũ, dõi theo từng bước chạy của chồng. Khi ông xã bứt tốc mạnh mẽ về nhất, những giọt nước mắt hạnh phúc của chị Hương cứ tuôn rơi. Chị Hương trải lòng: “Thấy anh Lai luyện tập vất vả, lại xa nhà biền biệt, nhiều lúc tủi thân, tôi khuyên anh dừng thi đấu. Gia đình cần có anh, các con muốn gần bố, nhưng anh bảo còn luyện tập, còn thi đấu được thì anh vẫn muốn đóng góp công sức cho thể thao quân đội, thể thao nước nhà”.

 Tuyển thủ Nguyễn Văn Lai ghi dấu ấn ở SEA Games 31 với hai tấm huy chương vàng nội dung 5.000m và 10.000m. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Thấy chồng còn nhiều đam mê trên đường chạy, chị Hương lại quên đi bao nỗi vất vả, động viên anh gắng sức thi đấu. Hơn 8 năm qua, anh Lai gần như tập luyện, tập huấn, thi đấu xa nhà nên chị Hương thường một mình chăm lo việc nhà, nuôi dạy các con. Tháng 6 tới, nhà đương kim vô địch SEA Games cự ly 5.000m, 10.000m sẽ đưa cả gia đình đi du lịch để động viên tinh thần 3 mẹ con. Bàn về tương lai, Nguyễn Văn Lai chia sẻ cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Rất có thể ở kỳ SEA Games 32, tôi sẽ tham dự một nội dung khác, như marathon chẳng hạn, chứ không phải là hai nội dung sở trường nữa. Mọi quyết định sẽ được tôi đưa ra vào cuối năm nay, sau Đại hội Thể thao toàn quốc”.

Sức trẻ lên ngôi

SEA Games kỳ này, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, lực lượng vận động viên quân đội đóng góp nhiều thành tích đáng tự hào vào thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam. Trên đường đua xanh, kình ngư Trần Hưng Nguyên gây tiếng vang khi giành 3 HCV cá nhân, 1 HCV tiếp sức đồng đội, lập hai kỷ lục đại hội. Sau khi giành HCV thứ tư ở nội dung 200m hỗn hợp, Trần Hưng Nguyên không ăn mừng mà quay sang động viên các kình ngư đến từ Thái Lan, Singapore, vốn đang thất vọng về thành tích của bản thân. Đầu năm nay, khi trao đổi với tác giả bài viết, Trần Hưng Nguyên tâm sự: “Năm nay em có nhiều nhiệm vụ nhưng sẽ cố hết sức mình. Kỷ luật quân đội đã tiếp thêm cho em sức mạnh”.

  Kình ngư Trần Hưng Nguyên làm dậy sóng đường đua xanh ở SEA Games 31. Ảnh: QUÝ LƯỢNG.
  Kình ngư Trần Hưng Nguyên (giữa) là một trong những tuyển thủ Việt Nam thi đấu nổi bật nhất ở SEA Games 31. Ảnh: QUÝ LƯỢNG.

Lời Trần Hưng Nguyên nói chẳng sai. Ở Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5 và ở đội tuyển bơi quốc gia, Trần Hưng Nguyên luôn mẫu mực trong sinh hoạt, luyện tập. Rời quê nhà Quảng Bình năm 11 tuổi, Hưng Nguyên đến với Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 5, dưới sự dìu dắt của huấn luyện viên Trương Ngọc Tuấn. SEA Games 30, Trần Hưng Nguyên gây bất ngờ khi giành 2 HCV cá nhân, 1 huy chương đồng tiếp sức đồng đội. Còn ở SEA Games kỳ này, thành tích đã tăng lên khi Hưng Nguyên tỏa sáng rực rỡ. Chung kết nội dung 4x200m tự do nam, Trần Hưng Nguyên được ban huấn luyện tín nhiệm chốt bơi lượt cuối. Không phụ lòng tin của các thầy và đồng đội, Nguyên đã hoàn thành rất tốt phần thi của mình, góp công mang về tấm HCV lịch sử cho bơi Việt Nam ở nội dung 4x200m tự do nam. Không chỉ lần đầu tiên bơi Việt Nam giành chiến thắng ở nội dung này mà 4 tuyển thủ: Kim Sơn, Huy Hoàng, Quý Phước và Hưng Nguyên còn xuất sắc lập kỷ lục đại hội với thành tích 7 phút 16 giây 31. Đội bơi Singapore với huyền thoại Joseph Schooling chấp nhận về nhì nội dung này với thông số 7 phút 19 giây 75.

Trong lần thứ hai SEA Games được tổ chức tại Việt Nam, thể thao quân đội đã khẳng định được bản lĩnh và tài năng. Chúng ta tự hào về Nguyễn Văn Lai, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Tiến Trọng (HCV nhảy xa), Linh Na (HCV 7 môn phối hợp), Nghiêm Đình Hiếu (HCV 87kg vật cổ điển)... Kinh nghiệm, đẳng cấp đã làm nên chiến thắng vang dội của dàn tuyển thủ áo lính. Còn đó sức trẻ lên ngôi, khi nhìn vào đội hình các đô vật quân đội, với Nguyễn Minh Hiếu (sinh năm 1999), Trần Văn Trường Vũ (1999), Lại Diệu Thương (2001) ngay trong lần đầu tham dự SEA Games đã giành HCV ở các hạng cân 97kg cổ điển, 86kg tự do nam và 68kg tự do nữ. Tiếc cho đô cử quân đội Ngô Văn Lâm (sinh năm 1999) ở lần đầu tham dự SEA Games, phải chấp nhận tấm huy chương bạc khi thua trận chung kết 125kg tự do nam trước đối thủ là người Iran được Campuchia nhập tịch.

Chiều 20-5, xạ thủ 18 tuổi Phí Thanh Thảo đã xuất sắc giành HCV súng trường 3 tư thế nữ, giúp thể thao quân đội có tấm HCV thứ 21 tại SEA Games 31. Đây quả là thành tích đáng tự hào, giúp đội ngũ làm thể thao quân đội vững tin vào những kế hoạch chiến lược, tự tin tiến bước mạnh mẽ vào đấu trường lớn ASIAD, Olympic, góp phần làm rạng danh thể thao nước nhà.

KHOA MINH