Đến thời điểm này, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ còn 2 vận động viên chưa thi đấu tại Olympic Paris 2024 là Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing). Trịnh Văn Vinh tranh tài cử tạ hạng dưới 61kg nam lúc 20 giờ ngày 7-8 (giờ Việt Nam). Một ngày sau đó, tay chèo Nguyễn Thị Hương thi đấu vòng loại canoeing nội dung thuyền đơn nữ 200m.
|
|
Trịnh Văn Vinh là niềm hy vọng huy chương cuối cùng của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty |
Trong hai vận động viên này, Nguyễn Thị Hương chỉ đặt mục tiêu chiến thắng chính mình, trong khi Trịnh Văn Vinh chính là niềm hy vọng huy chương cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Nếu thể hiện được hết khả năng kèm theo yếu tố may mắn, lực sĩ quê Bắc Ninh có thể cạnh tranh tấm huy chương đồng.
Tại vòng loại, Trịnh Văn Vinh giành suất dự Olympic khi xếp hạng 6 với tổng cử 294kg. Để có thể cạnh tranh huy chương, Văn Vinh cần vượt qua mức tổng cử 300kg. Đây là một thử thách rất lớn với đô cử Việt Nam khi anh đã bước sang tuổi 29.
Ở nội dung dưới 61kg nam môn cử tạ có 12 vận động viên tranh tài. Các đối thủ của Văn Vinh rất mạnh, trong đó đáng chú ý là Li Fabin (Trung Quốc) đang sở hữu thông số thành tích tốt nhất lên tới 314kg tổng cử, ngoài ra còn có Morris Hampton Miller (Mỹ, 303kg), Sergio Massidda (Italy, 302kg), Eko Yuli (Indonesia, 300kg), Ceniza John Febuar (Philippines, 300kg), Silachai Theerapong (Thái Lan, 299kg)...
Một ngày trước khi môn cử tạ diễn ra, Ban tổ chức công bố mức trọng lượng tạ đăng ký cơ sở của từng vận động viên ở từng hạng cân. Theo công bố này, rất bất ngờ khi Trịnh Văn Vinh đăng ký mức tạ 303kg. Trọng lượng tạ này chỉ sau mức của 3 lực sĩ đó là đương kim vô địch Olympic Li Fabin (310kg), đô cử Indonesia - Eko Yuli (310kg) và lực sĩ người Italy Sergio Massida (310kg). Mức tạ đăng ký cơ sở của Văn Vinh ngang với lực sĩ người Mỹ Morris Hampton.
Trong thi đấu cử tạ, mức đăng ký chỉ mang tính thủ tục và thậm chí là tung hỏa mù đối phương. Các vận động viên vẫn có thể thay đổi mức tạ tùy vào diễn biến khi bước vào thi đấu. Dẫu vậy, con số 303kg của Trịnh Văn Vinh cho thấy sự tự tin, quyết tâm làm làm được điều gì đó của anh.
Trước Olympic Paris 2024, Văn Vinh có chuyến tập huấn hơn 1 tháng tại Trung Quốc. Lực sĩ Việt Nam có sự cải thiện đáng kể về thành tích. "Qua quá trình tập huấn, Trịnh Văn Vinh đạt được trạng thái tâm lý rất ổn định và sẵn sàng cho cuộc đấu quan trọng ở Olympic Paris 2024", phụ trách bộ môn cử tạ Cục Thể dục Thể thao Nguyễn Huy Hùng cho biết.
Ngoài sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, tâm lý, Trịnh Văn Vinh cùng huấn luyện viên của mình cũng phải có chiến thuật phù hợp, tính toán chính xác cho từng lần nâng tạ. Bất cứ sai lầm nào dù nhỏ nhất, lực sĩ của Việt Nam cũng sẽ đánh mất cơ hội tranh chấp huy chương.
294kg là mức tạ cao nhất của Văn Vinh sau khi anh trở lại từ án phạt cấm thi đấu vì dính doping, được thực hiện ở World Cup cử tạ ở Thái Lan hồi tháng 4 vừa qua. Tại Olympic Tokyo 2020, 294kg cũng là mức tạ mà vận động viên Igor Son thực hiện thành công để giành tấm huy chương đồng. Tuy nhiên, để có huy chương ở kỳ Olympic lần này, mức tổng cử của Văn Vinh phải hơn 300kg, buộc lực sĩ sinh năm 1995 phải vượt ngưỡng thực sự.
|
|
Mức tạ đăng ký cơ sở của các vận động viên tại hạng dưới 61kg nam môn cử tạ. |
Còn nhớ tại SEA Games 2017, Văn Vinh có cú đẩy tạ khó tin giúp anh đạt tổng cử 307kg để giành huy chương vàng. Nhưng đã 7 năm trôi qua và Olympic là sân chơi ở một đẳng cấp khác, nên để tái hiện được cột mốc trên là rất khó.
Dẫu sao thì Trịnh Văn Vinh vẫn mang tới hy vọng cho Đoàn thể thao Việt Nam. Chỉ cần giành huy chương bất cứ màu gì, anh cũng giúp đoàn thể thao Việt Nam tránh khỏi kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp trắng tay.
VIỆT AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.