Real, “con cưng” của Hoàng gia và chế độ Phran-cô
Thập niên 50 thế kỷ trước, Real trở thành hình ảnh của quốc gia Tây Ban Nha mới với 4 chức vô địch quốc gia trong 5 năm. Chế độ độc tài Phran-cô khi đó muốn biến CLB Real trở thành phương tiện phản ánh hình ảnh Tây Ban Nha trên đấu trường quốc tế. Trong hành trình đó, sau khi Real đoạt chức vô địch Latina năm 1955 (Latina Cup là giải đấu bao gồm các câu lạc bộ hùng mạnh đại diện cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a và Pháp), toàn bộ đội bóng được thưởng Huân chương Hoàng gia Tây Ban Nha. Riêng Chủ tịch Real Béc-na-bêu nhận được Huân chương Grand Cross sau đó một năm.
Real nhận được rất nhiều ưu ái từ Chính phủ cũng như Hoàng gia Tây Ban Nha, đó cũng là cơ sở để giải thích tại sao “Kền kền trắng” Real lại có thể “phủ bóng” toàn bộ bóng đá châu Âu trong giai đoạn cuối thập niên 50. Thành tích của Real ở đấu trường trong nước và quốc tế được coi như thành công trên chính trường của Phran-cô, người luôn coi Real là biểu tượng của quyền lực. Phran-cô luôn xuất hiện ở các trận chung kết có Real thi đấu, nhưng thực tế ông này không phải là người hâm mộ Real. Trong cuốn hồi ký của Xa-pô-ta, Giám đốc quan hệ công chúng của Real thời kỳ đó, có đoạn: Phran-cô không bao giờ bộc lộ cảm xúc gì trong các trận đấu của Real. Chẳng khi nào thấy ông nhúc nhích dù chỉ một bắp thịt để hưởng ứng một bàn thắng của cầu thủ mà ông yêu thích nhất: Phran-xi-cô Gen-tô. Khi đó, Real càng được lòng Phran-cô khi Chủ tịch Béc-na-bêu tuyên bố: “Bóng đá đã thực hiện nghĩa vụ với đất nước”. Trong một xã hội luôn chống lại chế độ độc tài, Barcelona trở thành đội bóng của người dân, còn Real thuộc về một chế độ hoàn toàn khác.
Mét-xi tả xung hữu đột trong vòng vây của cầu thủ Real. Ảnh: GOAL
Đến đây có thể thấy sự phân chia trong lòng nền bóng đá Tây Ban Nha, ở đó, Real và Barcelona trở thành hai nhánh đối lập. Chính hai đội bóng vĩ đại này đã tạo nên sắc thái đặc thù của bóng đá cũng như chế độ chính trị Tây Ban Nha. Đó cũng là lời giải thích lý do Real và Barcelona là hai đội bóng duyên nợ, với trận siêu kinh điển hấp dẫn nhất thế giới. Ngay từ ngày đầu, Real và Barcelona đã đại diện cho những thể chế chính trị, hai hệ tư tưởng dân tộc trái ngược và cũng là hai thành viên lớn nhất trong mọi hiệp hội thể thao Tây Ban Nha, gắn bó chặt chẽ với sự sắp xếp của cấu trúc sở hữu. Ở cả hai đội bóng có những văn bản với khuôn khổ pháp lý rất giống nhau. Trong trường hợp thanh lý, bất kỳ tài sản nào còn lại cũng phải được tặng các tổ chức công cộng hoặc chính quyền thành phố, hoặc chính phủ của thành phố nơi đội bóng đóng quân. Các thành viên của đội bóng có quyền bỏ phiếu tìm chủ tịch trong các cuộc bầu cử được tổ chức 5 năm một lần. Các thành viên bỏ phiếu phải từ 18 tuổi trở lên và đã tham gia ít nhất một năm. Mỗi vị chủ tịch không được phép tại vị quá hai nhiệm kỳ.
Đội bóng nước ngoài Barcelona
Dù là đội bóng phụng sự cho CĐV bản địa, nhưng trong một bộ phận người dân xứ Catalan, Barcelona đến giờ vẫn được coi là đội bóng nước ngoài; đó là lý do ngay sau khi Barcelona ra đời, Espanyol cũng được thành lập bởi Rô-đri-guết - một sinh viên kỹ thuật. Khẩu hiệu của Rô-đri-guết khi thành lập Espanyol là: “Chúng tôi thành lập đội bóng này để cạnh tranh với một đội bóng nước ngoài Barcelona”. Vì sao Barcelona lại bị coi là đội bóng nước ngoài? Ngược dòng lịch sử, ngày 22-10-1899, Hoan Gam-pơ (doanh nhân người Thụy Sĩ) cho đăng một mẩu quảng cáo chưa đến một trăm chữ trên tờ Los Deportes để kêu gọi người dân xứ Catalan thành lập một đội bóng tại thành phố Barcelona. Ngày 29-11-1899, đội bóng FC Barcelona chính thức ra đời trong một quán bar với sự tham gia của 12 người; trong đó có 6 người xứ Catalan, 3 người Anh, 2 người Thụy Sĩ và 1 người Đức. CLB được lấy tên tiếng Anh là Football Club Barcelona. Vị chủ tịch đầu tiên của đội bóng huyền thoại này là Oăn-tơ Goai (người Anh).
Đến giờ, bóng đá xứ Catalan vẫn phải cảm ơn doanh nhân Gam-pơ bởi không có ông, Barcelona có lẽ còn lâu mới ra đời.
Mối quan hệ giữa Barcelona và Real có thể rẽ sang một chiều hướng tích cực, nếu không xảy ra vụ việc tranh chấp danh thủ huyền thoại người Ác-hen-ti-na Đ.Xtê-pha-nô. Năm 1953, cả Real và Barcelona đều tuyên bố sở hữu Đ.Xtê-pha-nô. Sự việc tranh chấp cầu thủ này khiến FIFA phải vào cuộc và phán quyết được đưa ra bởi Giáo sư, Tiến sĩ y khoa nổi tiếng Ca-lê-rô (được FIFA chỉ định), rằng Real và Barcelona sẽ chia sẻ quyền sở hữu Đ.Xtê-pha-nô. Khi mọi chuyện còn đang um xùm thì Phran-cô đến thăm Ca-lê-rô và sau cuộc nói chuyện tế nhị giữa hai người, FIFA quyết định Đ.Xtê-pha-nô thuộc quyền sở hữu của Real. Phán quyết trên đã đưa Real bước vào kỷ nguyên rực rỡ trong lịch sử đội bóng, bao trùm quyền lực lên bóng đá Tây Ban Nha và thế giới; đồng thời biến những trận đấu giữa hai đội thành những trận siêu kinh điển, Barcelona - Real thành một trong những cặp đấu nguy hiểm nhất của bóng đá thế giới…
TRUNG GIANG