Sau trận thua kỷ lục ở World Cup này, các báo thể thao xứ chùa vàng đã giật mình thảng thốt: “Hiệu ứng domino” khi nói về thất bại của các đội tuyển bóng đá quốc gia Thái Lan thời gian qua.
Đau nhất vẫn là đội tuyển nam quốc gia Thái Lan vừa thất bại ê chề ở King’s Cup 2019. Song hành cùng đó là thất bại trong trận chung kết của U.23 Thái Lan ở giải đấu trên đất Singapore. Đồng loạt các đội tuyển bóng đá nam, nữ Thái Lan đều gặp khủng hoảng, hứng chịu những thất bại có thể coi là gây sốc cho người hâm mộ nước nhà. Ít ai mường tượng bóng đá Thái Lan liên tiếp thua sốc đến vậy, người ta buộc phải đặt dấu hỏi đâu là sức mạnh thật sự của bóng đá Thái Lan?
 |
Mỹ thắng đậm Thái Lan 13-0 ở World Cup 2019. Ảnh: FIFA |
Ở AFF Cup, rõ ràng bóng đá Thái Lan không còn nhận được sự tôn trọng của các đối thủ. Thất bại ở King’s Cup vừa qua trước đương kim vô địch AFF Cup Việt Nam cho thấy bóng đá nam Thái Lan giờ đây không còn là “ông kẹ” ở khu vực Đông Nam Á nữa.
Tờ Siam Sports, nhật báo thể thao lớn nhất Thái Lan ra ngày 12-6, đã “khóc” cho bóng đá nước nhà khi đội tuyển nữ quốc gia thảm bại ở trận ra quân World Cup 2019, rằng: “Những ngày buồn kéo dài”.
Nhiều người đã lên tiếng đòi lãnh đạo Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) từ chức, nhưng xem ra việc này không khả thi và cũng không phải căn nguyên của vấn đề. FAT có dư tiềm lực tài chính, thậm chí để trả lương cho huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển nam quốc gia cả triệu USD/năm, họ cũng sẵn tiền. Bóng đá Thái Lan có những cầu thủ giỏi, thành danh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… FAT có tiền nhưng các đội tuyển bóng đá xứ chùa vàng lại thi đấu không thành công trong vài năm trở lại đây, thế mới khiến giới hâm mộ bóng đá đất nước của những nụ cười ức chế. Từng HLV trưởng lần lượt rời bỏ bóng đá Thái Lan. Trong khi FAT đang đau đầu tìm HLV trưởng cho đội nam quốc gia, thì ông Gama, HLV trưởng U.23 Thái Lan cũng vừa đệ đơn từ chức.
Trong tháng 7, theo kế hoạch, FAT sẽ cử một đoàn “Đông du”, tham khảo các mô hình bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản. Không loại trừ khả năng trong chuyến đi này, lãnh đạo FAT sẽ tiếp cận một vài chiến lược gia hàng đầu ở khu vực Đông Á. Trước nay, FAT muốn bóng đá Thái Lan cạnh tranh với các đội mạnh ở châu lục, nên họ đặt niềm tin vào các chiến lược gia châu Âu. Nhưng thành công của bóng đá Việt Nam với HLV Park Hang-seo đã khiến FAT nghĩ lại.
Trong khi đang đau đầu tìm kiếm HLV cho các đội tuyển nam quốc gia thì trận thua Mỹ 0-13 ở World Cup 2019 của đội tuyển nữ Thái Lan đã khiến FAT thêm hứng chịu áp lực dữ dội từ dư luận. 3-0 trong hiệp 1 và 10 bàn của đội tuyển bóng đá nữ Mỹ trong hiệp 2 đã "nhấn chìm" đội tuyển nữ Thái Lan. Một trận thua mà các cầu thủ ra sân (cộng thay người) lẫn HLV trưởng mỗi người nhận đủ một bàn. Đây là trận thua có tỷ số đậm nhất trong lịch sử các VCK World Cup nữ. Trước đó, Mỹ đã tạo nên kỷ lục khi đánh bại Đài Bắc (Trung Hoa) 0-7 vào năm 1991. Nhưng kỷ lục này đã bị phá vỡ vào năm 2007, khi Đức “hủy diệt” Argentina với tỷ số 11-0.
Nam thua, nữ bại, không biết những ngày u ám với bóng đá Thái Lan bao giờ mới kết thúc? “Sau cơn mưa trời lại sáng”, người Thái đang mong một trận mưa mát lành ào ào đổ xuống bóng đá nước nhà để gột rửa đi những nỗi buồn nhưng hóa ra nỗi đau thêm dài. Khoảng cách với bóng đá thế giới thật diệu vợi. Khoảng cách với bóng đá châu lục cũng thật cách biệt. Người Thái từng làm chủ bóng đá khu vực Đông Nam Á, nhưng thời thế, thế thời đã thay đổi, chỉ là người Thái vẫn đang cố chấp “mài” quá khứ vàng son để "chống đói"...
THU HIỀN