Chuyên trang bóng đá xin giới thiệu bài tổng hợp 3 kỳ về cách kiếm tiền và tiêu tiền có phần thiếu minh bạch của các Chủ tịch FIFA
Kỳ 1: Quan tham mang danh “Hoàng đế”
Hứa nhiều làm chẳng bao nhiêu
Sinh năm 1916 trong một gia đình giàu có, từng là vận động viên đại diện cho Bra-xin thi đấu môn bơi lội tại Ô-lim-pích 1936 và môn bóng nước tại Ô-lim-pích 1952, Ha-vê-lăng sau đó là thành viên của Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế (IOC). Từ năm 1958 đến năm 1975, Ha-vê-lăng giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội thể thao Bra-xin và tạo được uy tín đáng kể trong làng thể thao quốc tế nói chung cũng như bóng đá nói riêng. Với quãng thời gian làm việc như vậy, Ha-vê-lăng tất nhiên am hiểu nhiều ngóc ngách phía hậu trường và đây cũng là bước đà để ông này xây dựng và cụ thể hóa tham vọng trở thành Chủ tịch FIFA. Cũng nên nhắc lại rằng, trước “triều đại” của Ha-vê-lăng, FIFA không kiếm được nhiều lợi nhuận, khi đó bóng đá đơn giản được coi là môn thể thao có tính chất giải trí chứ chưa phải là con gà đẻ trứng vàng và đậm tính thương mại như hiện nay.
Vào thời điểm trước khi FIFA tiến hành bầu cử năm 1974, Ha-vê-lăng ban đầu không được đánh giá cao bằng đương kim chủ tịch Xtan-lây Ru-xơ. Nhưng với sự kiên nhẫn và khả năng tự lăng-xê tài ba của mình, Ha-vê-lăng đã chu du tới… 86 quốc gia khác nhau để vận động cho bản thân. Tất nhiên, đến nơi nào ông này cũng hứa hẹn đủ điều, vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng. Kèm theo sự tốt đẹp trong tương lai ấy, Ha-vê-lăng luôn gắn thêm điều kiện phải cần nhiều tiền để hiện thực hóa các kế hoạch. Nhờ tài thuyết khách ấy, Ha-vê-lăng đã giành được chiếc ghế chủ tịch FIFA. Nhưng ngay sau khi đạt được mục tiêu, Ha-vê-lăng lập tức “quên” những lời hứa của mình. Có được vị trí số một ở FIFA, Ha-vê-lăng chỉ làm mỗi một việc: Tạo ra hàng loạt vụ chi tiêu mờ ám để kiếm những khoản lợi không minh bạch cho bản thân. Dẫn chứng cụ thể nhất là World Cup 1978 bỗng có kinh phí lớn kỷ lục, nhiều hơn cả World Cup 1982 dù giải đấu ở Tây Ban Nha nâng cao gấp rưỡi số đội (từ 16 lên 24 đội) so với giải đấu ở Ác-hen-ti-na.
Trong 24 năm làm Chủ tịch FIFA, Ha-vê-lăng đã kiếm rất nhiều khoản tiền mờ ám từ những phi vụ thiếu minh bạch. Ảnh: Esporte.uol.com.br
Đến khi sự đã rồi, nhiều người mới ngã ngửa trước “tâm huyết” của ngài tân chủ tịch. Nhưng bất cứ ai có trí nhớ tốt đều biết rằng, Ha-vê-lăng không phải là kẻ chỉ biết nói suông. Tại Đại hội FIFA lần thứ 39 năm 1974, ngay sau khi nhậm chức, Ha-vê-lăng đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Tôi đến để bán một sản phẩm gọi là bóng đá”. Và bóng đá thế giới cũng sang trang từ câu nói ấy. Tại “cung điện” ở Du-rích, Thụy Sĩ (trụ sở FIFA), Ha-vê-lăng đã biến FIFA thành một “tập đoàn” với doanh thu ít nhất 250 triệu USD/năm thông qua hàng loạt hợp đồng béo bở với nhiều nhà tài trợ như: Forrd, Wal-Mart, Exxon, General Electric, Philip Morris… Tất nhiên, trong số này có rất nhiều khoản tiền mờ ám đã chui vào túi Ha-vê-lăng. Có lợi lớn, Ha-vê-lăng nhanh chóng “rửa tiền” thông qua các công ty vận tải, đầu tư tài chính, bảo hiểm nhân thọ… Thậm chí, có cả những lời cáo buộc “Hoàng đế” đã buôn bán vàng và vũ khí, nhưng nhờ uy tín và những khoản tiền lót tay, Ha-vê-lăng đã dễ dàng thoát tội.
“Mặt nạ quyền lực” cuối cùng cũng rơi
Thoái vị vào năm 1998 khi nhường ghế cho Xép Blát-tơ, Ha-vê-lăng trên thực tế vẫn chưa chịu “rửa tay, gác kiếm”. Với cương vị là chủ tịch danh dự của FIFA và mối quan hệ với con rể là Ri-các-đô Tê-xây-ra, Ha-vê-lăng tiếp tục kiếm tiền bằng những phi vụ mờ ám. Năm 2001, công ty chuyên kinh doanh và tiếp thị thể thao International Sportland Leisure (ISL) phá sản. Nhưng mãi đến năm 2010, báo cáo của Ủy ban đạo đức thuộc IOC mới tìm ra bằng chứng chứng minh rằng, Ha-vê-lăng và Tê-xây-ra đã có 8 năm liên tiếp nhận “phong bì” là những khoản hối lộ lớn của ISL. Đổi lại, Ha-vê-lăng trao quyền tiếp thị của FIFA cho ISL. Khi ISL sụp đổ, các thông tin điều tra cho thấy công ty này đã chi cho bộ đôi Ha-vê-lăng - Tê-xây-ra không dưới 41 triệu USD.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, từ thời điểm cuối năm 2010 trở lại đây, Ha-vê-lăng liên tiếp bị cáo buộc tham nhũng. Những chứng cứ được cơ quan điều tra cũng như các phương tiện truyền thông nêu ra cho thấy, chiếc “mặt nạ quyền lực” của Ha-vê-lăng đã đến lúc rơi ra. Cuối năm 2011, với lý do sức khỏe, Ha-vê-lăng đã rút khỏi IOC. Đến năm 2013, cũng với lý do trên, Ha-vê-lăng từ chức Chủ tịch danh dự FIFA. Ông con rể Tê-xây-ra cũng chẳng khá khẩm hơn khi phải từ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bra-xin, Trưởng ban tổ chức World Cup 2014 tổ chức tại Bra-xin. Lý do mà Tê-xây-ra nêu ra cũng là “vì sức khỏe”. Dù dính dáng đến nhiều bê bối như vậy, nhưng Ha-vê-lăng chẳng bị kết tội gì và hiện tại, số tài sản mà người đàn ông 100 tuổi này sở hữu được định giá vào khoảng 200 triệu USD.
Tại sao Ha-vê-lăng lại không chịu án phạt nào từ FIFA? Đơn giản, bởi người kế nhiệm Xép Blát-tơ chính là “đệ tử” của ông này. Và trong thời gian thế chỗ Ha-vê-lăng, Xép Blát-tơ cũng tạo ra hàng loạt tai tiếng liên quan đến tham nhũng, hối lộ. Khi Ha-vê-lăng từ chức, Blát-tơ đã đứng ra bảo vệ hết mình cho sếp cũ. Nhưng đến khi chính mình bị hạ bệ bằng bản án cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá trong 8 năm tính từ cuối năm 2015, Blát-tơ đã chẳng thể làm gì để bảo vệ mình, bất chấp việc ông này tổ chức họp báo tuyên bố mình “trong sạch, vô tội”.
LONG NGUYÊN
Kỳ 2: Xép Blát-tơ- từ “Ngài sáng kiến” đến “Vua tham nhũng”