Sức mạnh của những đội bóng nhỏ

Đáng kể nhất trong số này là Hungary và Ai-xơ-len ở Bảng F. Hungary bất ngờ đứng đầu bảng chung cuộc, vị trí mà trước giải ai cũng nghĩ chắc chắn sẽ thuộc về Bồ Đào Nha. Bất ngờ hơn nữa, đội bóng đến từ băng đảo Ai-xơ-len với vỏn vẹn hơn 300 ngàn dân cũng giành được tấm vé trực tiếp vào vòng knock-out, xếp trên cả đội bóng của Ronaldo. Điểm nhấn của họ là chiến thắng trước Áo ở lượt trận cuối với bàn thắng kịch tính ở cuối trận. Chính những đội bóng như Hungary, Ai-xơ-len và Albania đã mang đến nét mới cho giải đấu, giúp cho cách biệt giữa các nền bóng đá châu Âu được thu hẹp trông thấy.

 Ai-xơ-len bất ngờ lọt vào vòng 1/8 với vị trí thứ nhì ở bảng đấu có Hungary, Bồ Đào Nha và Áo. (Nguồn: Gettyimages)

Những bàn thắng cuối trận

Thể thức mới của Euro lần này giúp cho các trận đấu diễn ra kịch tính đến tận phút cuối. Ngoài 12 đội giành vị trí nhất và nhì ở các bảng đấu còn có 4 đội đứng thứ 3 xuất sắc nhất vòng bảng được đi tiếp vào vòng sau. Vì thế ai cũng muốn giành lợi thế, đặc biệt là các đội bóng bị đánh giá ở "cửa dưới". Trong số 69 bàn thắng được ghi ở vòng bảng có tới 18 bàn thắng được ghi sau phút 80 của trận đấu, cụ thể: 10 bàn thắng duy nhất, 3 bàn gỡ hòa và 5 bàn nâng tỷ số. Đặc biệt, trong số này có tới 7 bàn thắng được ghi ở những phút bù giờ. Vì thế khi trọng tài chưa nổi hồi còi mãn cuộc thì khán giả cũng đừng vội rời sân hoặc tắt màn hình tivi.

Sự im lặng của các "Vua phá lưới"

Như thể là rủ nhau, các Vua phá lưới tại các giải Vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đều không thể ghi được bàn thắng nào tại vòng bảng. Trước Vòng chung kết (VCK) Euro năm nay, cả Ibrahimovic, Harry Kane và Lewandowski đều được đánh giá rất cao trong cuộc đua danh hiệu chân sút tốt nhất của giải. Tuy nhiên, suốt 3 lượt trận vòng bảng họ đều không thể lập công dù chỉ 1 lần. Đáng thất vọng nhất là trường hợp của Ibrahimovic, tiền đạo từng 3 lần giành danh hiệu Vua phá lưới Ligue 1 (Giải VĐQG Pháp) trong 4 mùa giải khoác áo Paris Saint-Germain (PSG) đã thể hiện một phong độ nhạt nhòa tại giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp khoác áo đội tuyển quốc gia của anh. Còn với Harry Kane và Lewandowski, họ vẫn còn cơ hội lấy lại danh tiếng ở vòng tiếp theo.

Nguồn cảm hứng mang tên Gareth Bale

3 trận đấu, 3 bàn thắng và giúp xứ Wales bất ngờ giành vị trí đầu bảng B là thống kê nổi bật về Bale. Anh cùng với Morata của Tây Ban Nha đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại giải. Ngoài đóng góp về bàn thắng, Bale còn là người truyền cảm hứng bất tận cho đội bóng tân binh xứ Wales. Trước giải anh không được xếp vào hạng ngôi sao ngang tầm Ronaldo hay Ibra, nhưng rốt cuộc đã có tiếng nói rất quan trọng hệt như vị thế của mình ở Real Madrid. Với sự tỏa sáng của Bale, xứ Wales trở thành một trong những đội bóng chơi ổn định và hấp dẫn nhất vòng bảng, hứa hẹn đáng xem hơn nữa ở những vòng đấu knock-out sắp tới.

Sự toả sáng kịp thời của Ronaldo

Đúng vào lúc "nước sôi lửa bỏng", khi đội bóng cần anh nhất thì Ronaldo đã kịp thời toả sáng với cú đúp để mang về trận hòa 3-3 với Hungary ở lượt đấu cuối, qua đó giúp đội tuyển Bồ Đào Nha lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất. Vượt qua áp lực và kỳ vọng, Ronaldo cứu cả đoàn tàu Bồ Đào Nha, giống như nhiều lần khác trong màu áo CLB Real Madrid. Nên nhớ ở 2 trận vòng bảng trước đó, CR7 thể hiện một bộ mặt nhạt hòa mà đỉnh điểm là pha hỏng ăn 11m ở trận gặp Áo, khiến Bồ Đào Nha bị cầm hòa 0-0. Cũng có người cho rằng anh bị "khớp" tâm lý do đồng đội Bale và đối thủ Messi đều đang lần lượt toả sáng ở Euro và Copa America. Nhưng đến giờ phút này, sau khi đã "khai nòng" thì "khẩu thần công" Ronaldo chắc chắn sẽ còn nguy hiểm hơn nữa ở các vòng đấu loại trực tiếp.

Những trận đấu giàu cảm xúc của Croatia

Thắng Thổ Nhĩ Kỳ bằng một pha làm bàn duy nhất, để CH Séc lội ngược dòng gỡ hòa sau khi đã có 2 bàn làm vốn và rồi lại lội ngược dòng giành chiến thắng trước Tây Ban Nha 2-1. Đó là những gì có thể tổng kết về màn trình diễn với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của Croatia tại vòng bảng. Với lối chơi đẹp mắt, họ đang đứng trước cơ hội hoàn thành kỳ Euro thành công nhất trong lịch sử và đồng thời là giải đấu lớn thành công nhất kể từ khi giành vị trí thứ 3 tại World Cup 1998. Mặc cho những hình ảnh không đẹp trên khán đài do cổ động viên của mình (CĐV) gây ra, các tuyển thủ Croatia vẫn chơi tốt và biết cách toả sáng kịp thời. Màn trình diễn của họ không chỉ làm hài lòng các CĐV trung lập, mà còn góp phần xoa dịu những CĐV đang "phản ứng dữ dội" với cách điều hành của LĐBĐ nước nhà.

Tây Ban Nha đã nếm mùi thất bại

Thua ngược Croatia 1-2 trong trận đấu cuối vòng bảng, Tây Ban Nha nếm mùi thất bại lần đầu tiên tại VCK Euro kể từ năm 2004. Họ cũng đánh mất ngôi đầu vào tay Croatia và sẽ phải chạm trán Italia trong trận đấu đầy khó khăn ở vòng 1/8. Lần gần đây nhất đội tuyển xứ sở bò tót bị đánh bại tại ngày hội bóng đá châu Âu là trước Bồ Đào Nha ở vòng bảng Euro 2004. Sau đó, họ giành chức VĐ tại 2 kỳ Euro liên tiếp (2008 và 2012) một cách thuyết phục. Như vậy chuỗi 14 trận đấu chỉ biết thắng và hòa của Tây Ban Nha đã bị một đội tuyển Croatia kiên cường chặn đứng. Nhìn chung, thất bại của nhà ĐKVĐ ở trận này và giải này (nếu có) sẽ là một tín hiệu vui cho nền bóng đá châu Âu.

Bóng đá Đông Âu thất thế

Trong số 6 đội đứng cuối các bảng đấu thì có tới 4 cái tên đến từ Đông Âu, một khu vực từng sản sinh những đội tuyển mạnh và nhiều ngôi sao nổi tiếng như Cộng hòa Séc, Romania, Nga và Ukraine. Lẽ ra họ phải để lại ấn tượng tốt trước khi World Cup 2018 diễn ra ở khu vực, nhưng màn trình diễn của các đại diện Đông Âu lại vô cùng thất vọng. Đặc biệt là Nga, chủ nhà của ngày hội bóng đá thế giới sau 2 năm nữa. Những chú gấu Nga mang đến Pháp một đội hình già nua và thiếu tính sáng tạo. Trong khi đó, CH Séc - Á quân Euro 1996 - đã phơi bày mọi điểm yếu của nền bóng đá nội khi phải trông cậy vào những lão tướng như Rosicky hay Petr Cech, 2 cầu thủ được coi là giàu kinh nghiệm nhất và quan trọng nhất.

Sự quay lại của vấn nạn hooligan?

Trong khi khủng bố vẫn chỉ nằm ở mức độ nguy cơ do nước chủ nhà Pháp đã làm rất tốt công tác ngăn ngừa thì nỗi lo bạo loạn đã trở nên hiện hữu, từ những vụ xung đột do CĐV Nga gây ra với CĐV Anh, đến sự quá khích có phần cực đoan của CĐV Croatia trên khán đài. Người ta có lý do để lo ngại sự quay lại của vấn nạn hooligan từng nhức nhối vào những năm 80 của thế kỷ trước. Phạt tiền và đe dọa loại các đội tuyển có CĐV gây rối là một chuyện, nhưng những người làm bóng đá cũng phải tính đến việc làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ tình trạng đó leo thang và lan rộng, đúng thời điểm cách biệt nền bóng đá lục địa già đang thu hẹp tới mức tích cực nhất có thể. Không lo sao được khi mà World Cup 2018 sẽ được tổ chức tại Nga, đất nước có CĐV trở thành tâm điểm của những rắc rối vừa qua trên đất Pháp.

DƯƠNG LONG