Theo AFC, đây là một “quyết định lịch sử” bởi VCK U23 châu Á 2020 sẽ trở thành giải đấu đầu tiên ở châu Á áp dụng VAR trong tất cả các trận đấu.

AFC lần đầu tiên sử dụng công nghệ VAR tại Asian Cup 2019. Ảnh: AFC.

Cơ quan quyền lực nhất của bóng đá châu Á muốn bảo đảm sự công bằng cho tất cả các đội tham dự bởi giải đấu này cũng sẽ xác định 3 đại diện giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản.

Tại môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020, châu Á sẽ có 4 đại diện góp mặt. Trong đó, một suất nghiễm nhiên thuộc về nước chủ nhà là U23 Nhật Bản. Vì vậy, thành tích tại VCK U23 châu Á 2020 sẽ quyết định những tấm vé còn lại.

Công nghệ VAR đang được sử dụng rộng rãi tại các giải đấu lớn. Ảnh: Goal.

Chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa khẳng định, bóng đá châu Á đã đạt đẳng cấp thế giới và AFC cam kết tiếp tục là một tổ chức bóng đá kiểu mẫu trong việc áp dụng công nghệ mới nhất vào bóng đá.

Để chuẩn bị cho việc sử dụng công nghệ VAR ở VCK U23 châu Á 2020, AFC đã tổ chức 6 chuyến tập huấn theo tiêu chuẩn của Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB) từ tháng 3-2017 cho các trọng tài.

Giải thích về công nghệ VAR. Nguồn: FIFA.

Công nghệ VAR được IFAB thông qua vào năm 2016 và được thử nghiệm lần đầu vào tháng 8-2016 trong một trận đấu bóng đá ở giải nhà nghề Mỹ. World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) áp dụng công nghệ VAR.

Hiện tại, nhiều giải đấu bóng đá lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ VAR như: Champions League, La Liga, Ngoại hạng Anh...

NGÂN ANH (theo AFC)