Các trợ lý này sẽ thông báo cho trọng tài chính mỗi khi phát hiện lỗi bị bỏ qua, hoặc trọng tài chính sẽ tìm sự góp ý của họ mỗi khi cần (động tác chỉ lên tai). Trọng tài có thể tự xem lại tình huống thông qua màn hình TV trên đường biên hoặc dựa vào sự hỗ trợ từ phía tổ trợ lý. Tuy vậy, quyết định cuối cùng về tình huống vẫn là của trọng tài chính.
Tuy nhiên, FIFA khẳng định VAR không phải “là tất cả” và chỉ để “sửa lại các quyết định sai của tổ trọng tài mà có thể làm ảnh hưởng đến cục diện trận đấu” như lỗi phát sinh trong tình huống ghi bàn, thổi phạt đền, quyết thẻ đỏ trực tiếp, nhận dạng sai cầu thủ... Trước đó, đã có nhiều tình huống tương tự xảy ra gây tranh cãi và dẫn đến sự thay đổi kết quả của các trận đấu.
“Trọng tài công nghệ” của World Cup
Có hàng trăm tình huống mà cầu thủ và cả đội bóng bị oan ức, hoặc cả những tình huống mà trọng tài nhìn thấy và đưa ra quyết định gây tranh cãi. Công nghệ VAR đã ra đời trước thực tế như vậy. Điều đó đã được chứng minh trong một số trận đấu gần đây ở World Cup 2018.
Công nghệ VAR lần đầu được áp dụng tại World Cup 2018 trong trận Pháp-Australia ngày 15-6. Vào phút thứ 54, Griezmann bị đốn ngã trong vòng cấm địa của đội tuyển Australia, nhưng trọng tài không thổi phạt. Sau đó, trọng tài nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ VAR nên đội tuyển Pháp được hưởng quả penalty. Đây là là quả phạt penalty đầu tiên mà công nghệ VAR góp công ở một kỳ World Cup. Nếu không có công nghệ VAR, “Gà trống Gô-loa” đã hòa muối mặt trước các cầu thủ xứ chuột túi.
 |
Tình huống Griezmann bị hậu vệ Risdon phạm lỗi trong vòng cấm trong trận Pháp-Australia. Trọng tài Andres Cunha không thổi phạt ngay nhưng sau khi nhờ trợ giúp của công nghệ VAR, ông đã cho Pháp hưởng penalty. Ảnh: Dailymail |
Trong cuộc chạm trán giữa Argentina và Iceland ngày 16-6, công nghệ VAR một lần nữa được áp dụng. Ở phút thứ 64 khi 2 đội tuyển vẫn hòa nhau 1-1, tình huống Meza bị hậu vệ Iceland đốn ngã trong vòng cấm không thật sự rõ ràng. Sau khi nhờ sự trợ giúp của công nghệ VAR, trọng tài quyết định đại diện Nam Mỹ được hưởng quả phạt 11m. Tuy nhiên, danh thủ Messi lại không thắng được thủ thành Halldorsson.
Còn ở cuộc đối đầu giữa Peru và Đan Mạch ngày 16-6, Poulsen phạm lỗi với Cueva trong vòng cấm của Đan Mạch phút 43. Sau khi quyết định xem lại tình huống bằng công nghệ VAR, trọng tài Gassama đã quyết định thổi penalty cho Peru. Nhưng trên chấm 11m, Cueva đã phung phí cơ hội đó.
Rõ ràng công nghệ VAR giúp cho trận đấu bóng đá công bằng hơn, đặc biệt ở những giải đấu lớn và quan trọng nhất hành tinh như World Cup. Nhờ công nghệ VAR, các quyết định của trọng tài sẽ không còn là đề tài để giới hâm mộ túc cầu có thể tranh luận sau những tình huống nhạy cảm nữa.
VAR - tranh cãi và chỉ trích
Dù vậy, công nghệ VAR cũng đối mặt với không ít ý kiến chỉ trích rằng cảm xúc của người hâm mộ có thể bị “trói buộc” bởi công nghệ. Bình luận trên BBC, cựu hậu vệ MU Phil Neville khẳng định: “Tôi không thích VAR, ngay từ đầu tôi đã không thích nó!” Quan điểm đó cũng được nhiều HLV, cầu thủ như Zinedine Zidane, Luka Modric hay Gareth Bale... chia sẻ bởi “mọi người đều thích những gì thực tế và cảm xúc” còn công nghệ VAR lại “làm gián đoạn những cảm xúc bóng đá.”
 |
Ở tứ kết World Cup 1986, bàn thắng bằng tay nổi tiếng của Diego Maradona đã giúp Argentina đánh bại Anh với tỷ số 2-1. Nhờ phong độ tuyệt vời của "Cậu bé Vàng" ở giải đấu trên mà Argentina sau đó đã lên ngôi vô địch. Ảnh: Goal |
Cũng có ý kiến cho rằng, công nghệ VAR sẽ trở thành “cứu cánh” cho trọng tài, khiến những người “cầm cân nảy mực” trên sân đấu trở nên lười đi và thiếu quyết đoán. Nếu gặp những tình huống nhạy cảm, thay vì đánh giá mọi tình huống trực tiếp hiện trường rồi đưa ra quyết định (có thể đúng hoặc sai), thì trọng tài lại không ngần ngại...chạy ngay ra ngoài biên để xem lại video nhờ công nghệ VAR.
Có thể điều đó sẽ giúp cho quyết định cuối cùng của trọng tài trở nên chính xác hơn và không phải chịu “bùa rìu dư luận” sau này nếu đó là sai, nhưng đừng quên rằng sự can thiệp đó khiến môn thể thao vua mất đi tính hấp dẫn, bất ngờ, cảm xúc vỡ òa và chút ấm ức vốn có nó.
 |
Tình huống Costa phạm lỗi rõ ràng với Pepe khi xem lại video quay chậm, nhưng trọng tài vẫn không thổi phạt, và sau đó Costa đã ghi bàn. Ảnh: Dailymail |
Một thí dụ rõ ràng là bàn thắng bàn tay nổi tiếng của danh thủ Diego Maradona. Bàn thắng đó gây không ít tranh cãi nhưng cũng đem đến nhiều cảm xúc cho người hâm mộ. Điều đó có thể không bao giờ trở lại khi công nghệ VAR được FIFA đưa vào các trận đấu, không chỉ ở World Cup kỳ này mà có thể mở rộng ra tất cả các giải đấu trong thời gian tới.
Liệu sẽ có nhiều trọng tài được như ông Rocchi trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vừa qua. Trọng tài người Italy đã từ chối dùng công nghệ VAR để xử lý tình huống dẫn đến bàn gỡ hòa 1-1 của Diego Costa. Trước khi lập công, số 19 đã phạm lỗi rõ ràng với Pepe. Sau trận đấu, ông nhận rất nhiều chỉ trích từ người hâm mộ cũng như giới truyền thông, nhưng nhiều người lại đánh giá cao quyết định đó, để cho trận đấu trải qua những cảm xúc đặc biệt.
Không thể phủ nhận đây là một công nghệ hữu ích cho bóng đá, nhưng công nghệ VAR có thể sẽ còn gây tranh cãi!
VĂN HIẾU