Một điều nữa tôi mừng cho đoàn quân của thầy Park là các cầu thủ, những Tiến Linh, Công Phượng, Trọng Hoàng... sẽ có được trải nghiệm vô cùng thú vị ở những trận đấu đỉnh cao sắp tới.

Khi dõi theo kết quả bốc thăm, nói thật tôi “thèm” lắm. Thèm cái cảm giác được ra sân chơi những trận cầu để đời. Thời chúng tôi, làm gì có chuyện được đọ sức sòng phẳng cùng Australia, Saudi Arabia, Nhật Bản... Vậy mà sắp tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ hiên ngang bước vào vòng loại World Cup 2022 cuối cùng ở châu lục.

Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: THÀNH NAM

Nếu nhìn vào thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA, sẽ không có nhiều cơ hội cho đội tuyển Việt Nam khi rơi vào bảng B (hay A cũng vậy). Vì xét trên lý thuyết, ta là đội có thứ hạng thấp nhất. Còn thực tế tôi cũng nghe được nhiều lời bình luận, nhận định về tình thế của đội nhà ở bảng B. Tích cực có, tiêu cực có, thậm chí mơ mộng cũng không ít. Phải nói thế này, đã vào đến đây thì không có đội nào yếu cả. Ta hiểu bạn mà bạn cũng hiểu ta lắm rồi. Đội Trung Quốc đố dám chủ quan khi đối đầu với đội Việt Nam. Saudi Arabia cũng vậy, họ có thể là “Brazil vùng Vịnh” nhưng nếu gặp đội tuyển Việt Nam mà chủ quan là bị “xơi” ngay. Khó có chuyện ta chủ quan, khinh địch bởi kể từ ngày thầy Park đến với bóng đá Việt Nam, ông luôn đề cao lối chơi chặt chẽ, chú trọng đến phòng ngự.

Huấn luyện viên Park Hang-seo may mắn có được một thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam hay nhất, tốt nhất trong vài thập niên trở lại đây. Đội tuyển quốc gia của chúng ta hiện giờ không thua kém các đội bóng hàng đầu châu Á về kỹ thuật, chiến thuật, tư duy, tinh thần, nhưng cái dở của ta (không chỉ trong bóng đá) là ở xuất phát điểm. Bóng đá Đông Nam Á thuộc "vùng trũng" thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này là do thể hình cầu thủ thấp bé quá, nhẹ cân nữa. Bóng đá hiện đại như ta thấy ở Euro 2020, Copa America 2021, rồi Ngoại hạng Anh, Bundesliga... rất đề cao yếu tố thể hình, thể lực, sức mạnh tổng hợp. Tầm vóc của cầu thủ Việt Nam hạn chế rõ khi ta đối đầu với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sắp tới Australia, Saudi Arabia, Oman, Trung Quốc, Nhật Bản còn cao hơn, ta lấy gì để chống bóng bổng và tranh chấp tay đôi với các bạn? 4 năm qua, bóng đá Việt Nam đã có bước tiến khá dài nhưng kỳ thực chưa ăn thua so với các nền bóng đá hàng đầu châu lục. Ta tiến thì bạn cũng chẳng lùi, thậm chí một bước tiến của bạn còn bằng hai, ba bước tiến của ta. Cuộc chơi bóng đá đỉnh cao khó là thế, cam go là thế nhưng thú vị là thế, sướng là thế.

Đến đây, tôi lại mong mình trẻ ra mấy chục tuổi, được vào đội hình của thầy Park trong những trận đấu tới. Nghĩ vậy, tôi lại càng thêm tự hào vì bóng đá nước nhà. Chúng ta đã có những năm tháng bóng đá đáng quên. 5 năm trước, ai nghĩ các đội tuyển bóng đá Việt Nam trưởng thành, đĩnh đạc tiến ra châu lục đầy tự tin. Vận hội tới ta tự tin nắm bắt nhưng cũng không thể chủ quan. Ta cũng không thể xua quân đánh dàn trải được với các đội trong bảng B. Ta có được hai bàn thắng ở trận thua UAE 2-3 trên đất bạn là nhờ thọc sâu đánh hiểm, nhờ vào sự nhanh nhẹn, thông minh của cá nhân. Nhưng cũng vì thế mà như tôi nói ở trên, bạn biết rõ ta lắm rồi nên bạn sẽ không chủ quan đâu.

Còn nói về hai trận gặp đội tuyển Trung Quốc, trong đó có trận lượt về trên sân Mỹ Đình vào mồng Một Tết Nguyên đán Nhâm Dần (ngày 1-2-2022) quả là thú vị, có nhiều điều để suy nghĩ. Theo tôi, đội Trung Quốc giờ gặp đội Việt Nam cũng lo ngại nhiều bề. Tôi cho rằng cơ hội khi ta đối đầu với Trung Quốc là 50-50. Gần đây, cho dù bóng đá Trung Quốc đi xuống nhưng so với ta thì bạn vẫn còn nhiều điểm mạnh, điểm hay. Cả vòng loại tới đây, ta rất cần sự thận trọng, vào trận tinh thần phải là cao nhất, chiến đấu đến cùng, có như vậy đối thủ mới nể mà ta cũng thu được nhiều bài học quý từ vòng loại để đời này.

VŨ MẠNH HẢI (Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Bóng đá)