Không có bóng đá chẳng ai chết cả, không có các ông sao chuyên nghiệp được nuôi dưỡng, ngợi ca bằng sự gom góp từng đồng bạc của hàng tỷ người xem trên sân hay qua màn hình thì người dân cần lao vẫn có thể có thứ bóng đá của riêng mình nơi làng xóm, ngõ ngách, thậm chí cả trong trại tị nạn.

Nhưng sức sống nhân loại cứ còn, cứ mãnh liệt và người ta vẫn cần đủ thứ, vẫn làm mọi cách để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, trong đó có bóng đá ngôi sao. Diễn biến đổ vỡ đang diễn ra từ những chi tiết nhỏ nhất của guồng máy bóng đá đang thách thức, kiểm nghiệm sức chịu đựng để tồn tại của thứ bóng đá sáng láng này. Kẻ nào sẽ sống sót, sống sót như thế nào? Trước hết hãy xem xét xem những con cá mập đang ngoi ngóp, vùng vẫy ra sao trong cơn bão động trời động biển chưa từng có.

Các cầu thủ Manchester United. Ảnh: Getty.

Những người đã say đắm lâu nay với đội bóng áo đỏ thành Manchester lúc này mới tá hỏa rằng cái tập thể United-hợp nhất, đoàn kết ấy, cái sân vận động Old Trafford lừng danh với tên gọi "Nhà hát của những giấc mơ" ấy đang vỡ lở với cục nợ tiền chuyển nhượng cầu thủ lớn nhất giải ngoại hạng. Số tiền cụ thể là 169,3 triệu bảng Anh, gấp đôi so với đội đứng thứ hai là nửa xanh cùng thành phố Manchester City và gấp 3 so với đội nằm trong nhóm Big six nhưng đã tụt lại, lẹt đẹt phía sau là Arsenal.

Vận đổi sao dời, “người hàng xóm ồn ào” thuở ngài Alex Ferguson còn tại vị, nay đã bứt vượt hẳn MU, thường xuyên chễm chệ trên "ngôi báu" hoặc chí ít cũng đứng ở vị trí thứ hai, thứ ba. Chẳng lạ gì khi “Quỷ đỏ” đã và vẫn đang dẫn đầu về lượng cổ động viên trên toàn cầu thì chẳng ngày nào tin tức về việc họ mua sắm cầu thủ mới, thay thế HLV... không bùng lên. Ngay trong thời gian dịch Covid-19 đang tàn phá khắp nước Anh, châu Âu và cả thế giới, truyền thông vẫn cứ “ồn ào” kết nối MU với đủ đẳng hạng cầu thủ, từ những ngôi sao le lói đến cựu sao, đặc biệt là những siêu sao đang rực sáng và cực “hot” trong thế giới bóng đá đỉnh cao. Đã là người hâm mộ, ai không biết đội hình MU đang yếu, thiếu ở những tuyến nào. Đó là lý do dư luận nêu lên những cái tên như: Trung vệ K.Koulibaly (Napoli), hậu vệ trái B.Chilwell (Leicester); tuyến giữa là J.Grealish (Aston Villa), J.Maddison (Leicester) và J.Sancho (Dortmund); trên hàng công là H.Kane (Tottenham), E.Haaland (Dortmund), R.Martinez (Wolverhampton)... để biết đâu đấy sẽ được lựa chọn.

Lẽ cố nhiên người ta mong, người ta đọc được tham vọng trở lại thời hoàng kim của MU và người ta mách nước, nhưng thực tế đã và vẫn luôn có sự ấp ủ, sự trỗi dậy mạnh mẽ của đội bóng này. Những khoản tiền trên dưới cả trăm triệu bảng, thậm chí là kỷ lục đến 200 triệu bảng cho chân sút lợi hại và ổn định H.Kane không phải vô cớ được đặt ra. Cái trớn phá két thời kim tiền và cơn khát tài năng cháy bỏng của “Quỷ đỏ” cùng người hâm mộ họ đã làm bật lên những cái tên, những món tiền tấn như thế. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính thời đại dịch sẽ buộc MU cũng như mọi CLB lớn bé phải chùn tay, cân não. Đã mất các nguồn thu lại đang ôm nặng nợ nần lấy đâu ra tiền. Tin tức thời sự cho biết giá cầu thủ đang giảm sâu từng ngày, ít nhất đến lúc này đã là 33%. Với những siêu sao đã có phần xuống phong độ như C.Ronaldo, J.Rodriguez, G.Bale thì giá trị trên thị trường chuyển nhượng chỉ còn 50%. Song, những cái tên đang nóng như Sancho, H.Kane, R.Matinez, Haaland... thì ngược lại chỉ có lên. Thị trường náo loạn, các giải đấu như Ngoại hạng Anh, La Liga hạ giá, thiệt hại hàng tỷ bảng nhưng quy luật cung-cầu vẫn không thay đổi. Rất có thể khi trái bóng lăn trở lại, thị trường sẽ nóng lên hơn bao giờ. Ngay lúc này đây, một cái tên như Sancho, Kane, Koulibaly... đâu chỉ có riêng MU quan tâm mà còn là những đại gia, từ Real Madrid đến Chelsea, Liverpool, Man City, PSG, Juventus...

Những tín hiệu giành giật này sẽ làm đẩy giá, thổi giá. Các CLB hạng trung, hạng thấp tất nhiên chẳng dám mơ tuyển mộ sao số đã đành mà cơ hội thu lời lớn từ việc bán cầu thủ giàu tiềm năng để tự cứu mình đã đến. Sẽ là tất yếu trong bão lớn, "cá lớn nuốt cá bé" sẽ xảy ra, đại gia bóng đá lúc này đang hiện hình là những con cá mập ráo riết săn mồi. Dù thiệt hại là quá lớn, thậm chí khó lường, song nền tảng tài chính của họ vẫn ổn và vững hơn cả. Bài toán của họ phải phức tạp, chi ly và căn cơ hơn hết, nhất là không thể bỏ qua luật công bằng tài chính cùng các phương án thu-chi, trả nợ trong bối cảnh các sân cỏ không khán giả, các giải đấu giảm, hoãn...

Không phải lo cho nhà giàu thì không hẳn đúng, song qua bão tố, những lâu đài, những đế chế dẫu sao cũng còn của ăn của để. Con người còn cần, còn yêu bóng đá thì các CLB hàng đầu sẽ vẫn tồn tại. Và ngược lại, các CLB đỉnh cao còn, bóng đá vẫn sẽ còn. Không ngẫu nhiên lúc này, đề xuất tổ chức giải đấu khác giữa các đại gia châu Âu trong tương lai đã được khơi lại.

NGUYỄN ANH