Việc đầu quân cho CLB Shanghai SIPG với phí chuyển nhượng 74 triệu đô-la đã biến tiền vệ Oscar trở thành cầu thủ đắt giá nhất Giải vô địch Quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League). Tại đất nước đông dân nhất thế giới, cầu thủ người Brazil này hưởng mức lương “khủng” lên tới 492.000 đô-la/tuần. Nhưng chế độ của Oscar không là gì nếu so sánh với tiền đạo Tevez-cầu thủ sắp gia nhập CLB Shanghai Shenhua để hưởng lương 756.000 đô-la/tuần (tức bằng lương của Rooney và Pogba ở MU cộng lại).
Tiền vệ Oscar trở thành cầu thủ đắt giá nhất giải Chinese Super League. Ảnh: Getty Images.
Cách đâu không lâu, người đại diện của Ronaldo-siêu cò Jorge Mendes tiết lộ việc thân chủ mình được một đội bóng ở Trung Quốc mời gọi với mức lương 316 triệu đô-la cho 3 năm hợp đồng. Như vậy nếu đồng ý, siêu sao người Bồ Đào Nha này sẽ hưởng lương 105 triệu đô-la mỗi mùa (gấp hơn 3 lần mức lương mà Ronaldo đang hưởng ở Real Madrid). Trước đó một đội bóng ở Chinese Super League cũng mời gọi Messi với mức lương 100 triệu đô-la/mùa sau thuế trong 5 mùa giải liên tiếp. Ít ngày trước, truyền thông Anh nhất loạt đăng tin trọng tài Mark Clattenburg sắp sửa “hốt bạc” nếu đồng ý cầm còi ở Giải vô địch Quốc gia Trung Quốc (123.000 đô-la mỗi trận). Chưa hết, những nhà cầm quân có “số má” ở làng túc cầu như: Felipe Scolari, Marcello Lippi… cũng đang kiếm bộn tiền khi đầu quân cho bóng đá Trung Quốc…
Những người làm bóng đá Trung Quốc đang quan niệm: “Những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Với những lời đề nghị siêu hấp dẫn, nhiều ngôi sao sân cỏ đã đua nhau gia nhập Chinese Super League. Với những ngôi sao chất lượng, Trung Quốc đang muốn biến giải vô địch quốc gia của họ trở thành một trong những giải đấu hấp dẫn nhất thế giới, là tiền đề hướng tới phát triển đội tuyển quốc gia. Sự hậu thuẫn của Chính phủ và các tỷ phú giúp bóng đá Trung Quốc sẵn sàng dốc tiền chiêu mộ ngôi sao và đang thách thức với các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) nghiêm cấm chính trị can thiệp vào bóng đá. Trung Quốc không đưa chính trị vào bóng đá, mà thay vào đó những quan chức hàng đầu của Chính phủ nước này kêu gọi phát triển môn thể thao vua, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình-một người rất yêu thích bóng đá.
Bên cạnh thu hút nhiều ngôi sao, bóng đá Trung Quốc đang phát triển theo đề án đào tạo trẻ. Theo ý tưởng của ông Tập Cận Bình thì tương lai Trung Quốc phải có cỡ 50.000 học viện bóng đá, đào tạo trẻ để hướng tới hiện thực hóa giấc mơ “3 trong 1”: Là nước chủ nhà World Cup, tham dự VCK World Cup và vô địch World Cup. Trung Quốc đang là nền kinh tế số hai thế giới, vì thế họ có thực lực để chạy đua đăng cai World Cup trong tương lai gần. Việc là chủ nhà World Cup cũng đồng nghĩa với tấm vé tham dự VCK. Như vậy ở hai mục tiêu đầu, bóng đá Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, mục tiêu vô địch World Cup của Trung Quốc là khá xa vời.
Dù đầu tư nhiều tiền bạc trong những năm gần đây nhưng đội tuyển Trung Quốc đang sa sút đáng báo động. Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á, thầy trò HLV Marcello Lippi thi đấu bết bát khi xếp cuối bảng A với 2 điểm sau 5 trận. Trong khi các đội tuyển trẻ U.19, U.20 của Trung Quốc cũng thi đấu không thành công. Việc chiêu mộ nhiều cầu thủ, huấn luyện viên đẳng cấp thế giới bước đầu chỉ giúp cho giải Chinese Super League thêm hấp dẫn, tạm thời xua đi bầu trời u ám về nạn dàn xếp tỷ số của bóng đá Trung Quốc trong nhiều năm qua. Trong khi để hiện thực hóa giấc mơ “3 trong 1”, bóng đá Trung Quốc vẫn cần thêm nhiều thời gian.
HOÀI PHƯƠNG