Ở chiều ngược lại, Arthur Melo rời Nou Camp để gia nhập đội bóng thành Turin với chi phí 70 triệu euro. Trên giấy tờ là hai bản hợp đồng chuyển nhượng khác nhau nhưng người trong cuộc đều hiểu đây là thương vụ trao đổi giữa hai đội bóng hàng đầu châu Âu.

Thực tế, Pjanic là cái tên nằm trong kế hoạch chuyển nhượng của Barca suốt 3 năm qua. Pjanic là tiền vệ sở hữu lối chơi sáng tạo, nhãn quan chiến thuật sắc bén cùng khả năng tổ chức trận đấu tốt. Nhưng điều đáng bàn ở chỗ tiền vệ người Bosnia-Herzegovina vừa bước sang tuổi 30. Nghĩa là Pjanic chỉ kém Busquets 1 tuổi, ít hơn Rakitic 2 tuổi và thua Pique 3 tuổi-các cầu thủ đang được xem là những “ông già” của sân Nou Camp.

Barca và Juve hoàn tất thương vụ trao đổi Arthur và Pjanic. Ảnh: The Sun

Đánh đổi một cầu thủ tài năng, có tương lai hứa hẹn như Arthur (23 tuổi) lấy Pjanic được xem là nước cờ khá mạo hiểm và có phần thiếu ngôn ngoan của ban lãnh đạo Barca. Hơn nữa, việc chiêu mộ cầu thủ 30 tuổi được xem là không giống với phong cách của đội chủ sân Nou Camp. Mới cách đây chỉ 6 mùa giải, Barca tự tin với một đội hình hùng mạnh có chiều sâu và thoải mái thực hiện chính sách nói không với cầu thủ 30 tuổi. Không mua cầu thủ 30 tuổi, không giữ lại cầu thủ 30 tuổi (ngoại trừ những cầu thủ do chính đội bóng đào tạo ra). Dani Alves là một ví dụ điển hình khi bị đẩy sang Juve không thương tiếc dù sau đó hậu vệ người Brazil vẫn chứng tỏ được giá trị của mình.

Đó là thời điểm Barca hùng mạnh trở thành điểm đến mơ ước của nhiều tài năng bóng đá. “Gã khổng lồ” xứ Catalan dễ dàng chiêu mộ nhiều cầu thủ trẻ sáng giá nhờ hệ thống tuyển trạch viên hùng hậu “phủ sóng” khắp thế giới. Hơn nữa, khi ấy lò đào tạo trứ danh La Masia vẫn đóng vai trò quan trọng, là nơi đào tạo ra nhiều ngôi sao hàng đầu châu Âu. Bẵng đi một thời gian, Nou Camp từ miền đất hứa trở thành nơi thiêu rụi sự nghiệp của nhiều tài năng trẻ. Chính sách vung tiền chiêu mộ ngôi sao đã đẩy Barca rơi vào cuộc khủng hoảng lực lượng khá nghiêm trọng. Nhiều cầu thủ trẻ không có “đất diễn” đã đi tìm cơ hội mới, những cầu thủ ở lại thì ngày càng héo mòn trên ghế dự bị.

Kể từ khi chủ tịch Maria Bartomeu lên nắm quyền năm 2014, Barca đã phung phí tới 1 tỷ euro để chiêu mộ 36 cầu thủ. Trong số này, chỉ có 2 cầu thủ xứng đáng “đồng tiền bát gạo” là Luis Suarez và Marc-Andre ter Stegen. Samuel Umtiti cũng phần nào chứng minh được năng lực nhưng những chấn thương liên miên khiến cầu thủ người Pháp dần trở thành người thừa ở Camp Nou. Những “bom tấn” Coutinho, Dembele, Griezmann thì không và chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ.

Khi Neymar dứt áo rời sân Nou Camp năm 2017, ban lãnh đạo Barca mới cuống cuồng lao vào một cuộc “ném tiền qua cửa sổ” để tìm người thay thế. Việc Neymar “dắt mũi” Barca là một lỗ hổng lớn trong công tác điều hành của ban lãnh đạo đội chủ sân Nou Camp. Khi Barca nghĩ không đội bóng nào có thể chi ra 222 triệu euro để sở hữu Neymar thì lúc ấy đại kình địch Real đã đưa ra mức phá vỡ hợp đồng với Ronaldo, Bale, Benzema lần lượt là 1 tỷ euro. Nghĩa là ban lãnh đạo Real luôn chủ động là người nắm đằng chuôi, có quyền quyết định cuối cùng trong việc đi hay ở của cầu thủ.

Khác với các đội bóng khác khi đứng sau đội bóng là những ông chủ siêu giàu thì Barca là đội bóng của người dân xứ Catalan. Họ đóng góp tiền bạc, công sức để gây dựng lên đội bóng và tiến hành cuộc bầu cử để tìm ra vị chủ tịch. Thay vì cùng ngồi lại bàn bạc với ban huấn luyện, cầu thủ để tìm ra giải pháp gỡ rối, lên kế hoạch chiêu mộ cầu thủ thật sự cần thiết, ban lãnh đạo Barca đã vội vàng hoàn tất thương vụ trao đổi giữa Arthur và Pjanic. Đó giống như một cách phản ứng nhằm trấn an người hâm mộ sau những chuỗi trận bết bát khiến Barca phải “giương cờ trắng” trong cuộc đua vô địch La Liga 2019-2020 với Real. Thương vụ Pjanic cũng được xem là bước đi đầu tiên của chủ tịch Bartomeu nhằm lấy lại hình ảnh, niềm tin của người hâm mộ trong công cuộc vận động trước thời điểm bầu cử chủ tịch Barca diễn ra vào năm 2021. Dù vậy, việc Barca mua Pjanic và bán Arthur khiến khâu chuyển nhượng của đội bóng rối càng thêm rối.

HOÀI PHƯƠNG