Lời nhận định trên không mang mục đích chia rẽ hay so sánh giữa các môn thể thao, nhưng có một thực tế lâu nay nhiều vận động viên (VĐV) vẫn chưa đủ sống khi theo nghề; còn đó chuyện “con nuôi, con đẻ” giữa các môn thể thao. Chính điều này khiến không ít VĐV dù giành thành tích cao vẫn rơi nước mắt tủi thân vì không được nhiều người quan tâm đúng mức; vẫn phải làm đủ thứ nghề như: Giao hàng, nhân viên phục vụ, bán hàng online... để trang trải cuộc sống. 

Huy Hoàng không thể góp mặt tại chung kết bơi 800m tự do nam Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.

Không nói đâu xa, hãy nhắc về trường hợp của võ sĩ P.Wongpattanakit của Đoàn thể thao Thái Lan. Để P.Wongpattanakit chuyên tâm với mục tiêu giành huy chương vàng (HCV) Olympic Tokyo 2020, ngành thể thao Thái Lan đã sắp xếp cho cô bay sang Nhật Bản khá sớm. Quá trình tập luyện của P.Wongpattanakit, ban huấn luyện thu thập video tư liệu của những đối thủ, nghiên cứu kỹ cách đánh của họ để tìm ra phương pháp hóa giải. Theo đó, 7 VĐV nam sẽ mô phỏng cách đánh của các đối thủ mà P.Wongpattanakit có thể gặp, để võ sĩ người Thái Lan làm quen. Với cách chuẩn bị kỹ như vậy, P.Wongpattanakit đã thắng "như chẻ tre" từ vòng loại đến trận chung kết. Hoặc trường hợp của lực sĩ H.Diaz, Đoàn thể thao Philippines. Ngoài việc được đầu tư rất đầy đủ, ngay sau khi giành tấm HCV Olympic Tokyo 2020, H.Diaz còn được thưởng tới 15 tỷ đồng cùng 1 căn hộ cao cấp. Nhiều VĐV khác đến với đấu trường Olympic đều có một ekip chuyên nghiệp chăm sóc từ vấn đề ăn, ở đến chuyên môn... Trong khi đó, nhiều VĐV Việt Nam vẫn phải tự khắc phục khó khăn, việc phải tự tập luyện với nhau không phải là chuyện hiếm.

Chúng ta từng có nhà vô địch Olympic trẻ Nguyễn Huy Hoàng hay Ngô Sơn Đỉnh, nhưng để phát triển họ vươn lên đến đỉnh cao là một quá trình gian nan, liên tục và tốn kém. Trường hợp kình ngư Ahmed Hafnaoiu (Tunisia) giành HCV Olympic Tokyo 2020 từng là bại tướng của Nguyễn Huy Hoàng ở Olympic trẻ là câu chuyện khiến nhiều người hâm mộ phải suy ngẫm. Thể thao Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng việc đầu tư nguồn lực, chiến lược phát triển đúng tầm để họ phát triển xứng đáng với tài năng lại là câu chuyện dài.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện để những tài năng thể thao phát triển. Quá trình phát triển thể thao đỉnh cao rất cần sự chung tay của toàn xã hội, cần nhiều nhà hảo tâm đầu tư nguồn lực. Kêu gọi nhà tài trợ cho bóng đá, bóng chuyền không quá khó, song không nhiều người sẵn lòng đầu tư cho các giải đấu của cử tạ, thể dục dụng cụ, rowing... Đó là một thực tế trong sự phát triển thể thao khi nhiều nhà tài trợ luôn phải chiều theo thị hiếu của khá giả. Muốn thể thao phát triển thì tấm huy chương nào khi được vinh danh đều có giá trị như nhau.

HỮU TRƯỞNG