Ở Lữ đoàn 134 (Binh chủng Thông tin Liên lạc), Đại úy QNCN Lại Thị Tuyết được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị rất mực yêu mến, quý trọng bởi đức tính tận tâm, tận lực với công việc. Là nhân viên nuôi quân, chị luôn trăn trở, tìm tòi, cải tiến cách chế biến món ăn để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, có đủ sức khỏe học tập, công tác.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trò chuyện với chị Tuyết, đó là sự chân thành, thẳng thắn, tâm huyết với công việc. Nói về công việc của người nuôi quân, chị tâm sự: “Tôi xác định nghề nào cũng cao quý. Nghề nào muốn thành công cũng cần có cái tâm. Nghề nấu ăn cũng vậy!”.

Tìm hiểu, tôi được biết, Đại úy QNCN Lại Thị Tuyết nhập ngũ năm 1993. Sau thời gian công tác, chị thi vào hệ trung cấp nấu ăn của Học viện Hậu cần. Năm 1998, tốt nghiệp ra trường, chị được điều động về làm nhân viên nấu ăn, tiếp phẩm của Lữ đoàn 134 và gắn bó với công việc đó cho đến nay.

Đại úy QNCN Lại Thị Tuyết giới thiệu sản phẩm tăng gia của đơn vị.

Theo tâm sự của chị Tuyết, khi mới về nhận nhiệm vụ, công tác tăng gia sản xuất của đơn vị còn chưa phát triển, lượng rau xanh, thực phẩm tại chỗ hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài. Trong khi đó, cơ quan Lữ đoàn đóng quân ở địa hình miền núi, xa trung tâm nên việc tạo nguồn tiếp phẩm gặp nhiều khó khăn. Quá trình công tác, chị luôn suy nghĩ làm sao để bộ đội có thể vừa ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, lại bảo đảm vệ sinh an toàn. Sau khi tìm hiểu, so sánh, chị xác định, trước hết, phải tìm được nguồn thực phẩm chất lượng, ổn định, giá rẻ. Vì vậy, từ tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc, chị đã dậy tìm đến các lò mổ, khu vực trung tâm để mua buôn thịt lợn, cá…. Có những mặt hàng như trứng, rau, thịt gia cầm, chị còn tìm đến tận các hộ chăn nuôi để đăng ký, vừa bảo đảm chất lượng, giá lại rẻ hơn so với thị trường. Thời điểm giao mùa, chị chủ động tìm đến các đơn vị bạn, đứng chân trên địa bàn, có điều kiện phát triển tăng gia sản xuất như Lữ đoàn 201 (Binh chủng Tăng Thiết giáp) để nhập rau. Không chỉ tích cực tìm nguồn khai thác, chị cùng tổ nuôi quân chủ động làm giò, chả, giá đỗ, đậu phụ, các loại gia vị, không phải mua ngoài thị trường. Nhờ đó, nguồn thực phẩm, rau sạch cung cấp cho bếp ăn đơn vị luôn dồi dào, đảm bảo chất lượng, với giá thành rẻ.

Có được nguồn thực phẩm chất lượng, ổn định, chị Tuyết tìm cách chế biến, cải tiến món ăn, đầu tư công sức chế biến các món mới, lạ, hấp dẫn, giàu dinh dưỡng, tạo cảm giác ngon mắt, ngon miệng cho bộ đội. Mặc dù được đào tạo cơ bản về kỹ thuật nấu ăn, nhưng chị không tự bằng lòng với tay nghề của mình, luôn tìm tòi, học hỏi thêm ở sách vở, các chương trình hướng dẫn trên phương tiện thông tin đại chúng. Chị thường xuyên lên mạng để tìm hiểu, học cách nấu những món ăn cao cấp, kể cả cách bài trí bàn ăn. Chị đã thử nghiệm nhiều cách cắt tỉa các hình cánh hoa từ nguyên liệu rau, củ, quả làm mâm cơm thêm sinh động. Những ngày nghỉ, chị thường thực hành nấu các món ăn mới tại gia đình, thử nhiều cách chế biến khác nhau để so sánh, lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.  Nhờ đó, nhiều món ăn do chị chế biến được bộ đội đón nhận và khen ngợi. Từ chỗ chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, bếp ăn của chị đã có thể tự chế biến, phục vụ hội nghị có 300-400 khách mời.

Cùng với việc nâng cao tay nghề nấu ăn, chị tham mưu, đề xuất với quản lý bếp ăn xây dựng thực đơn theo từng tuần hợp lý, khoa học, phù hợp với khẩu vị và tiêu chuẩn chế độ tiền ăn của bộ đội. Điều mà cán bộ, chiến sĩ luôn trân trọng và ghi nhận ở chị Tuyết đó là sự sáng tạo, tỉ mỉ, hết lòng với công việc. Mặc dù bận rộn với công việc tiếp phẩm, quản lý, song, chị đã tích cực nghiên cứu, chế biến một số loại gia vị thay thế các loại phẩm màu, gia vị bán sẵn trên thị trường, vừa bảo đảm an toàn, giá thành rẻ mà vẫn đáp ứng yêu cầu khẩu vị, màu sắc, chất lượng món ăn. Điển hình là sáng kiến dùng bột mỳ rang vàng thay cho “phẩm hoa hiên”; hay dùng đường thay cho kẹo đắng. Từ những trái chuối chín quá, quả nhỏ, chị đã nghĩ ra cách cho lên men rồi pha chế tạo thành dấm thanh…Đây là những sản phẩm “đặc trưng”, mang thương hiệu “chị Tuyết”, được bộ đội rất ưa thích. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị còn cùng với các nhân viên nuôi quân tìm hiểu, cải tiến một số vật liệu thông thường để tạo ra các dụng cụ thái củ, quả, tỏi, ớt… Các sáng kiến, cải tiến dù nhỏ, nhưng có giá trị thực tiễn cao, rất tiện ích khi sử dụng, vừa thuận tiện cho việc sơ chế, lại tiết kiệm được thời gian làm việc, giảm công sức cho đội ngũ nuôi quân.

Là con người của công việc, nên lúc rảnh rỗi, mọi người lại thấy chị Tuyết làm việc ngoài khu tăng gia sản xuất. Mặc dù người ít, song, tổ nuôi quân do chị Tuyết phụ trách thường xuyên nuôi 5 lợn nái, gần 20 con lợn thịt. Khu vực vườn rau do tổ chị phụ trách cũng luôn dẫn đầu về sản lượng thu hoạch so với các cơ quan khác. Chỉ riêng 2 năm 2013, 2014, chị và các đồng đội đã nuôi được trên 3 tấn thịt lợn, thu hoạch hơn 2,5 tấn rau, củ, quả, nhập trực tiếp vào bếp ăn với giá rẻ hơn thị trường.

Ghi nhận những đóng góp miệt mài, tâm huyết của chị, những năm gần đây, chị Tuyết được cấp trên tặng thưởng nhiều danh hiệu. Trong đó, 2 năm liền 2013, 2014, được Lữ đoàn tặng danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” cấp cơ sở. Tại Hội nghị Sơ kết phong trào thi đua ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy Binh chủng Thông tin Liên lạc giai đoạn 2010-2015, chị đã được Ban chỉ đạo PTTĐ Binh chủng tặng Bằng khen. Đây là những phần thưởng xứng đáng, khích lệ, động viên chị tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, nâng cao trình độ tay nghề, phục vụ ngày càng tốt hơn bữa ăn của bộ đội.

Bài, ảnh: CHIẾN VĂN