Việt Nam hiện nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Italia) trên thế giới về trị giá, chiếm khoảng 10% thị phần trên thế giới; đứng ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về thị phần tại cả ba thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay là Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản. Sản phẩm của ngành da giày Việt Nam có mặt ở 45 nước, chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam rất lớn, nhờ sự ổn định kinh tế, tiền tệ, chính trị và xã hội; nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2013 của Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD và năm 2014 đạt 10,3 tỷ USD; dự kiến năm 2015 đạt khoảng 13,5-14 tỷ USD.

Tham gia TPP, các DN da giày Việt Nam có điều kiện phát triển quy mô sản xuất và xuất khẩu, hoàn thiện hệ thống SXKD, cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm da giày... Tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước thành viên được ưu đãi thuế quan về mức 0%. Ðây chính là lợi thế để hàng da giày Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với một số nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ... là những nước xuất khẩu da, giày, túi xách hàng đầu thế giới, nhưng không phải là thành viên của TPP. Theo đó, các hãng giày, túi xách lớn của Mỹ và châu Âu sẽ chuyển hướng hoạt động gia công, sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm hưởng lợi thế TPP. Cùng với đó, các DN có thêm cơ hội đổi mới máy móc, trang thiết bị và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thuộc da và tạo nền tảng hạ tầng cho ngành da giày mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất giày hiện đại. Các DN sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về nguồn nhân lực, môi trường đầu tư, giảm thiểu thuế quan, các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ và không có hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ.

Sản xuất hàng kinh tế ở Công ty cổ phần 32. Ảnh: Hồng Quang

Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra những yêu cầu mới cho ngành da giày Việt Nam về chất lượng hàng hóa, những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng giải quyết tranh chấp thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường thế giới và phát triển thị trường trong nước. Những yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra cho DN những sức ép không nhỏ về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, đào tạo đội ngũ quản lý kỹ thuật; những cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng. Hiện, 90 % sản phẩm của giày da Việt Nam là hàng gia công, phụ thuộc nhiều vào thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm, nguồn cung cấp nguyên liệu thô, phụ liệu và thị trường nước ngoài. Mặc dù Việt Nam đã chủ động được nguyên liệu sản xuất giày vải (100%) và một số dòng sản phẩm khác (30-40%), nhưng vẫn có đến 70% DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, làm giảm giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu. Các nhà máy thuộc da chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu và hiện chỉ hoạt động được 25% công suất do thiếu nguyên liệu. Hằng năm, Việt Nam chi khoảng 300 triệu USD để nhập da và nguyên liệu giả da từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ là những quốc gia không tham gia TPP. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của DN trong ngành hiện chỉ đạt 40-45% và phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng, như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày, nhựa PVC, sơn PU, vải, keo... Bên cạnh đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường các nước thành viên TPP, các DN phải chứng minh lô hàng xuất khẩu có xuất xứ nguyên liệu, phụ liệu như da, vải, đế giày... được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên TPP.

Để hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong điều kiện Việt Nam tham gia hiệp định WTO, hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là TPP, thời gian qua, Công ty Cổ phần 32 đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực như kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế, dịch vụ; tái cơ cấu lại DN; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất tự doanh và thương mại dịch vụ; từng bước sản xuất sản phẩm phụ trợ; coi trọng phát triển thị trường trong nước và khu vực... nên hiệu quả SXKD từng bước nâng cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 11,3-17,93%/năm. Tỷ trọng hàng kinh tế chiếm khoảng 70%. Năm 2015, doanh thu dự kiến đạt gần 600 tỷ đồng (trong đó sản xuất quốc phòng là 183 tỷ; sản xuất kinh tế, kinh doanh thương mại và dịch vụ đạt 417 tỷ); lợi nhuận 41 tỷ; nộp ngân sách 43,5 tỷ.

Nhận rõ thời cơ và những thách thức khi gia nhập TPP, Công ty Cổ phần 32 xác định những giải pháp trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Tổng cục Hậu cần về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng đến năm 2020. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp, đổi mới và phát triển DN, triển khai chương trình quản lý doanh nghiệp phiên bản mới ISO 9001-2015 nhằm tạo ra bước đột phá trong quản lý điều hành sản xuất, tăng năng xuất lao động chất lượng sản phẩm; tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh; xây dựng chiến lược SXKD tầm nhìn 2020, với phương châm là xây dựng mối đoàn kết, thống nhất tạo sự đồng thuận cao trong toàn  Công ty để thực hiện tốt nhiệm vụ và giải quyết hài hòa lợi ích giữa Công ty, cổ đông và người lao động; mục tiêu tăng trưởng hằng năm đạt từ 8% trở lên, thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng, năm 2020 đạt 11 triệu đồng/tháng/người, cổ tức từ 20% trở lên.

Tích cực, chủ động trong việc tạo nguồn nguyên phụ liệu, điều hành sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hoàn chỉnh chuỗi cung ứng từ thiết kế - nguyên phụ liệu - sản xuất - phân phối; đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng năng lực cạnh tranh. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và nhập vật tư trong khối để bảo đảm đủ các điều kiện thụ hưởng mức thuế ưu đãi từ TPP. Thực hiện đa dạng hóa hình thức kinh doanh kết hợp với từng bước chuyển hướng từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu về sản xuất và bán thành phẩm), đồng thời chuẩn hóa các hoạt động SXKD, chuyên môn hóa nhiệm vụ sản xuất đối với từng xí nghiệp, đơn vị thành viên.

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả của bộ phận marketing; xây dựng chiến lược marketing và phát triển thương hiệu ASECO 32. Nâng cấp và mở rộng Trung tâm Mẫu thời trang, nâng cao năng lực nghiên cứu, chế thử, phát triển mẫu hướng tới nhiều đối tượng sử dụng để mở rộng thị phần, nâng cao khả năng tiêu thụ và phát triển đơn hàng. Triển khai các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín sản phẩm của Công ty trên thị trường. Tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, chú trọng thị trường châu Âu, Nga, Trung Đông, châu Phi và các nước trong khối TPP, ASEAN.

Đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, ưu tiên cho các khâu trọng yếu nhằm tạo ra sự đột phá, khác biệt, đi đầu, với ưu thế rõ rệt về sản phẩm. Trước mắt, tập trung mua sắm bổ sung các dây chuyền thế hệ mới sản xuất giày da nam, nữ, túi xách, cặp da; một số thiết bị tiên tiến như máy đùn Foxing, máy cán, máy may Trobeel... đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, thời gian giao hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật của các đối tác trong nước và nước ngoài.

Thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân và người lao động; xây dựng cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao và các nguồn nhân lực mới vào Công ty. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, quản trị nguồn nhân lực; thực hiện chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh mới, phát triển bền vững trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới.

Chủ động nắm chắc tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước; luật pháp và các thông lệ quốc tế. Hoàn thiện hệ thống thông tin, chủ động áp dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Thường xuyên cập nhật thông tin về TPP và FTA với EU để khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định, tránh thiệt hại do thiếu thông tin hoặc vi phạm trong kinh doanh theo quy định của TPP và những hiệp định khác.

Với bề dày truyền thống 35 năm xây dựng và phát triển, cùng với những kinh nghiệm rút ra trong SXKD, thời gian tới, cán bộ, nhân viên và người lao động Công ty Cổ phẩn 32 sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Công ty ngày càng phát triển vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ của bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ  hàng kinh tế và xuất khẩu, nâng cao chất lượng và uy tín thương hiệu Aseco 32 đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đại tá VŨ XUÂN TẠO, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần 32