Hiện nay, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã lai tạo thành công giống cây bí xanh mới có tên: Bí xanh số 1. Đây là giống bí có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cũ, có khả năng sinh trưởng khỏe, thích nghi tốt với thời tiết, khí hậu và chống chịu sâu, bệnh tốt hơn; năng suất cao; ăn không chua, ruột đặc, ít hạt… Giống bí này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép phát triển trên diện rộng ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Để giúp các đơn vị hiểu thêm về giống bí xanh số 1, chúng tôi giới thiệu một số đặc điểm chính và quy trình trồng, chăm sóc như sau:
Đặc điểm
Giống bí xanh số 1 có thời gian sinh trưởng từ 110 đến 120 ngày; chiều dài thân chính từ 3,0 đến 3,5m, lá xanh đậm, quả dài từ 45 đến 65 cm, vỏ xanh đậm, khi chín phủ lớp phấn trắng, cùi dày, đặc ruột, ít hạt; có khả năng chống chịu được bệnh héo xanh, phấn trắng; năng suất từ 45 đến 55 tấn/héc ta ở vụ xuân hè và 40 đến 45 tấn/héc ta ở vụ Thu Đông. Nhiệt độ thích hợp cho cây bí xanh phát triển từ 24 đến 28 độ , giai đoạn ra hoa và đậu quả cần nhiệt độ cao từ 25 đến 30 độ. Bí xanh sinh trưởng thích hợp nhất trong điều kiện ánh sáng ngày ngắn, cường độ vừa phải, độ ẩm đất từ 65 đến 80%; cây có thể trồng tốt trên đất thịt nặng, thịt nhẹ hoặc đất phù sa, độ pH của đất từ 6,5 đến 8,0.
 |
Giống bí xanh số 1 đã được trồng đại trà tại Trung đoàn Công binh 219 ( Quân đoàn 2 ) Ảnh:Lương Thảo. |
Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc
Thời vụ gieo hạt: Vụ Thu Đông, gieo hạt trong khoảng từ ngày 20-8 đến 15-9; vụ xuân hè, gieo hạt từ ngày 20-1 đến 20-2.
Cách gieo hạt:
Hạt được gieo vào khay hoặc vào bầu (bầu có đường kính 7cm, dài 10cm). Giá thể làm bầu là hỗn hợp gồm: 50% đất bột, 50% xơ dừa hoặc 40% đất bột, 45% xơ dừa, 15% mùn mục; bầu hoặc khay được đặt trên luống cao và bằng phẳng. Mỗi hạt được gieo vào 1 bầu hoặc 1 lỗ trên khay. Sau khi gieo xong, phủ một lớp đất bột mỏng lên hạt, dùng rơm, rạ phủ lên mặt để giữ ẩm nhằm tránh hạt bị trôi hoặc xô khi trời mưa to hoặc tưới nước mạnh. Lượng hạt giống cần đủ gieo cho 1 héc ta là 1,2 kg (tương đương 30g hạt/sào Bắc Bộ). Trong vụ Xuân Hè, cây bí đang ở giai đoạn ươm thường gặp lạnh, nên cần phải làm khung vòm có che phủ bằng nilon để chống rét cho cây. Thường xuyên kiểm tra vườn ươm, khi thấy hạt nảy mầm cần dỡ dần bớt rơm, rạ để cây không bị vống. Khi cây con có từ 1 đến 2 lá thật và cao từ 8 đến 10 cm, không bị sâu bệnh thì chuyển ra ngoài vườn để trồng theo luống.
Chuẩn bị đất trồng:
Chọn đất: Nên chọn đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, độ pH= 6,5 đến 8,0, không trồng cây bí xanh trên đất đã trồng các loại cây họ bầu, bí (dưa chuột, dưa hấu...). Tốt nhất là trồng luân canh với các loại rau khác họ để hạn chế sâu bệnh.
Làm đất: Đất trồng được cày bừa kỹ, loại sạch cỏ dại (xử lý bằng thuốc ViBam 5H liều lượng 0,9 kg/sào; nếu đất chua, có độ pH < 5 thì bón thêm 15 kg vôi bột/sào). Đối với vụ Xuân, khi trồng bí có thể làm giàn, lên luống rộng 1,8 đến 2,0 mét (cả rãnh luống), cao 25-30 cm; vụ Thu Đông, có thể làm giàn hoặc không cần làm giàn để cây bò trên mặt luống đã phủ rơm rạ, yêu cầu luống rộng 3,6 đến 3,8 mét, cao 25-30 cm, thoát nước tốt.
Phân bón và cách bón phân:
Lượng phân dùng bón cho 1 sào Bắc Bộ như sau: .
Vụ Xuân Hè: lượng phân chuồng 800 đến 900 kg (tương đương 20 đến 25 tấn/héc ta), 14kg urê, 20kg supe lân, 10 kg kalisulphat, 25 đến 30 kg vôi bột. Vụ Thu Đông: phân chuồng từ 800 - 900 kg (tương đương 20-25 tấn/ha), 12kg urê, 20kg supe lân, 10 kg kalisulphat, 25-30 kg vôi bột .
Cách bón phân: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân cùng với 1/4 tổng khối luợng đạm urê, vôi.
Mật độ và cách trồng: Vụ Thu Đông, nếu trồng không làm giàn, mật độ trồng là: 684 cây/sào Bắc Bộ (1,9 cây/mét vuông); khoảng cách giãn các hàng là 2,8 mét, cây cách cây 30 cm; luống rộng 3,6 đến3,8 mét. Vụ Xuân Hè, trồng với mật độ 900 cây/sào Bắc Bộ, khoảng cách: hàng cách hàng 1,4 mét, cây cách cây 40 cm, luống rộng 2 mét.
Cách chăm sóc:
Bón thúc phân lần 1: Khi cây bắt đầu ngả ngọn bò trên mặt đất hoặc khi chuẩn bị làm giàn. Bón số lượng đạm, kali bằng 1/4 kết hợp với vun xới. Lần 2: sau khi có quả rộ (sau đợt 1: 20 đến 25 ngày), hoà phân đạm, kali bằng 1/4 so với tổng số theo quy định để tưới vào giữa hai hốc ở phía trong luống. Số lượng phân còn lại pha loãng với nồng độ 5% tưới bổ sung nếu cây sinh trưởng phát triển kém. Trường hợp không có phân chuồng, có thể thay bằng phân NPK 16-16-8.
Tưới nước: Ở giai đoạn đầu cần tưới nhẹ để đảm bảo đủ ẩm cho cây nhanh bén rễ và phát triển tốt. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả và phát triển quả cần nhiều nước, nên phải tưới đủ ẩm cho cây. Nếu mưa ngập cần tháo rút nước ngay vì bí xanh chịu ngập úng kém.
Làm giàn hoặc phủ rơm trên mặt luống:
Ở vụ Xuân, do trời mưa ẩm nhiều ngay đầu vụ và mưa lớn cuối vụ, vì vậy khi trồng bí xanh cần làm giàn hình chữ A hoặc giàn vòm tuỳ theo điều kiện vật tư có sẵn. Giàn chữ A có chiều cao >2,5 m; giàn vòm cần có chiều cao >1,5 m. Nếu để bí xanh bò trên mặt đất (trong vụ Thu Đông), sau khi vun xới đợt 2 thì tiến hành dải rơm, rạ đều trên mặt luống.
Tỉa cành, định quả: sau khi vun xới đợt 2 (cây trồng được 20 đến 25 ngày) tiến hành tỉa bớt 1 đến 2 nhánh gốc, chỉ để 2 đến 3 nhánh phát triển. Dùng dây mềm buộc cây lên giàn hoặc điều chỉnh đều trên mặt luống đã phủ rơm rạ. Nếu cần thu hoạch bí non thì mỗi nhánh để 2 đến 3 quả, cần thu bí già thì mỗi nhánh chỉ nên để 1 quả. Khi quả đậu 3 đến 5 ngày, chú ý điều chỉnh cho quả ở vị trí thuận lợi nhất để phát triển tốt.
Cách phòng trừ sâu, bệnh:
Bí xanh thường có sâu xám, sâu xanh, rệp, bọ phấn trắng phá hại. Loài sâu xám thường phá hại cây non bằng cách cắn ngang cây mới trồng vào ban đêm, ban ngày lại chui xuống đất. Khi thấy hiện tượng này cần dùng que đào bắt sâu ngay dưới gốc cây bị hại hoặc dùng Vibam 5 (10)H rắc quanh gốc. Khi làm đất cần chú ý cày bừa kỹ, phơi ải đất và luân canh cây trồng để ngăn chặn sâu xám phát triển. Với sâu xanh, rệp, bọ phấn trắng, dùng các loại thuốc Sherpa 25EC, Oncol 20EC, Cymerin 20EC phun với nồng độ 0,15%. Ngoài ra, bí xanh còn hay mắc bệnh sương mai, phấn trắng ở vụ Xuân, dùng Kasuzan, Ridomil 72wp, nồng độ 0,2% để phun. Nếu mắc bệnh phấn trắng dùng Bavistyl, Bayferan, nồng độ 0,15 đến 0,2% để phun.
Thu hoạch: khi quả bí đạt từ 50 đến 60 ngày tuổi có thể thu hoạch, bí non có thể thu hoạch ở giai đoạn 25 đến 35 ngày tuổi (sau khi đậu quả). Nên thu hoạch quả bí vào buổi sáng, thao tác nhẹ nhàng tránh bị sây xát. Quả già thu về có thể xếp thành hàng, lớp, bảo quản nơi thoáng mát. Quả bí xanh số 1 có thể bảo quản trong thời gian trên 30 ngày mà vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng.
Trên đây là quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc giống bí xanh số 1, các đơn vị đóng quân phía Bắc có thể nghiên cứu, tham khảo để phát triển tăng gia sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ bữa ăn bộ đội. Mọi chi tiết xin liên hệ với Bộ môn Cây Thực phẩm (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm). Trụ sở tại xã Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương. Điện thoại: (0320) 3716386.
Đại uý, Th.s ĐỖ THANH HẢI