Từ đầu năm 2016 đến nay, mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp, nhiều con sông xuất hiện mực nước thấp lịch sử, lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-50%, có nơi trên 60%. Các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ đập thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Theo báo cáo của các địa phương, đến cuối tháng 3-2016, toàn khu vực Tây Nguyên đã có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn, thiếu nước tưới; 7.108 ha phải dừng sản xuất; 4.758 ha chuyển đổi sang trồng ngô, rau, đậu các loại; 8.403 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 2.825 ha mất trắng; trên 40.137 ha cây cà phê, hồ tiêu bị thiệt hại nặng. Dự kiến tháng 5-2016, nắng hạn vẫn tiếp tục diễn ra, diện tích cây trồng chính bị hạn sẽ lên tới 167.000 ha, trong đó lúa 14.600 ha, cà phê, hồ tiêu sẽ bị thiệt hại lên đến 152.760 ha. Về nước sinh hoạt, đã có hơn 38.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Nếu tiếp tục nắng gắt như hiện nay, thời gian tới, số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ tăng lên đáng kể. Huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) là địa phương chịu hạn hán nặng nhất, hầu hết diện tích trồng lúa, cà phê, hồ tiêu bị khô hạn, có nguy cơ bị mất trắng, các giếng nước đào phục vụ dân sinh cơ bản đã khô kiệt hoàn toàn. Hiện tại, có hàng ngàn hộ dân đang thiếu nước, phải nhờ vào sự giúp đỡ của Quân khu 5, Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15 dùng xe chuyên dụng chở nước cung cấp đến các điểm công cộng để cấp phát nước cho dân sinh hoạt.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 40 cùng nhân dân xã Đắk Yắ (Mang Yang - Gia Lai) nạo vét kênh mương.
Binh đoàn Tây Nguyên là đơn vị chủ lực cơ động của Bộ đóng quân trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định… đây là địa bàn thường xuyên xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Nếu không chủ động được kế hoạch, biện pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tăng gia sản xuất, đời sống cán bộ, chiến sĩ sẽ gặp khó khăn; hàng nghìn ha cây trồng, hàng vạn con gia súc, gia cầm sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, từ nhiều năm nay, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị quan hệ chặt chẽ với cơ quan khí tượng thủy văn địa phương, theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước trên địa bàn đóng quân; nắm chắc tình hình hạn hán và dự trữ nguồn nước mặt trong các ao hồ, kênh mương để có giải pháp, biện pháp chủ động khắc phục. Trên cơ sở đó, cơ quan hậu cần các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy cùng cấp xây dựng phương án, kế hoạch, cách làm cụ thể để khắc phục thiếu nước vào mùa khô, tổ chức ngăn, giữ nước vào mùa mưa, đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt và tăng gia sản xuất. Để chủ động về nguồn nước, các đơn vị đã tổ chức khai thác nguồn nước quốc doanh, nước mưa hoặc nước giếng khoan đã qua lắng lọc; đồng thời, tích cực khơi thông, nạo vét, vệ sinh hệ thống kênh mương... Huy động mọi nguồn lực tại chỗ để đầu tư xây dựng công trình cấp nước, củng cố, nạo vét 200 giếng cũ, khoan 10 giếng mới, đào 7.000 m3 ao, hồ chứa, mua sắm thêm một số trang thiết bị cấp-chứa đựng nước. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của ban chỉ đạo điện, nước các cấp trong việc tổ chức điều hành, bơm nước để bảo đảm nước sinh hoạt cho bộ đội. 100% cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy chế sử dụng điện, nước tiết kiệm và tổ chức kiểm tra thường xuyên. Các đơn vị còn chủ động nghiên cứu, điều chỉnh và chuyển đổi cơ cấu rau màu theo hướng chịu được hạn, trồng giống ngắn ngày; áp dụng các biện pháp tưới tiêu khoa học, hợp lý, tiết kiệm nước bằng cách lắp đặt các hệ thống phun sương, tưới nhỏ giọt, tưới luân phiên, tưới thấm; sử dụng màng phủ, nhà che; dùng rơm, rạ, cỏ khô, cây thực vật ủ gốc cho cây cà phê, hồ tiêu nhằm giữ độ ẩm, chống bốc hơi nước cho cây trồng. Đồng thời, tận dụng nước thải trong sinh hoạt đã qua xử lý để phục vụ tưới cây, thảm cỏ. Nhờ đó, các đơn vị trong Binh đoàn đã kịp thời giữ được hàng chục héc-ta cao su, 20 ha tiêu, hơn 30.000 cây ăn quả các loại...
Cùng với các biện pháp trên, Cục Hậu cần đã tham mưu đề xuất với Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho bộ đội trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện, nước sinh hoạt bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, pa-nô, áp-pích, khẩu hiệu, tờ tin binh đoàn, các buổi hội họp, sinh hoạt tập trung, nêu gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, hiệu quả trong bảo đảm nước sinh hoạt cho bộ đội. Điển hình là Trung đoàn BB66/f10; Lữ đoàn PB40 là hai đơn vị đặc biệt khó khăn về nước nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, chiến sỹ nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của nước đối với đời sống và biết sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, chống lãng phí nên đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ chủ động bảo đảm đủ nước phục vụ bộ đội, các cơ quan, đơn vị trong Binh đoàn còn tích cực phối hợp, kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân tổ chức tuyên truyền cho bà con các dân tộc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, tham gia trồng cây, gây rừng, nạo vét kênh mương; quản lý chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất chặt phá cây xanh. Đồng thời trao đổi, phối hợp trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ngăn chặn tình trạng phá rừng, đốt rừng làm rẫy của nhân dân. Đặc biệt, trước tình trạng hạn hán gay gắt, bà con nhân dân thiếu nước sinh hoạt, được sự nhất trí của Bộ Tư lệnh Binh đoàn, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Cục tăng cường các biện pháp giúp dân theo yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời điều động, giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn ô tô vận tải 827 sử dụng 05 xe ô tô vận chuyển hàng trăm chuyến xe với gần 1.000 m3 nước sạch miễn phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân xã HBông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Việc làm đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, góp phần tăng cường mối quan hệ máu thịt quân-dân, tạo niềm tin, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn đánh giá cao.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn trong thời gian tới, hiện tượng El Nino và tình trạng nắng nóng tiếp tục có nguy cơ tăng cao vượt kỷ lục so với các năm trước đây. Lượng mưa được nhận định là thiếu hụt nhiều hơn so với mọi năm. Nguồn nước dự trữ tại các sông và hồ chứa vẫn tiếp tục thiếu hụt và khả năng diễn ra trên diện rộng. Vì vậy, trước mắt cùng với việc duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước phục vụ sinh hoạt, vật nuôi và cây trồng chờ mùa mưa đến, Cục Hậu cần đề nghị Tổng cục Hậu cần hỗ trợ xăng dầu phục vụ vận chuyển nước cho nhân dân; hỗ trợ kinh phí xây dựng bể chứa nước, dung tích 20m3/bể cho một số đơn vị. Về lâu dài, Cục Hậu cần đang nghiên cứu tham mưu với Bộ Tư lệnh Quân đoàn tổ chức quy hoạch lại tăng gia sản xuất theo vùng hợp lý, bố trí vật nuôi, cây trồng chịu được hạn hán; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với các giải pháp toàn diện, tổng thể trong công tác phòng chống hạn hán từ Binh đoàn đến các đơn vị cơ sở, nhằm góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Đại tá TRẦN VĂN MINH