Sau hơn 2 năm tổ chức chăn nuôi chim bồ câu Pháp bằng hình thức nhốt tập trung, đến nay Lữ đoàn Xe tăng 202(Quân đoàn 1) luôn duy trì nuôi 200 đôi chim bồ câu sinh sản. Trung bình mỗi năm cho thu lãi 75 triệu đồng. Đây là  mô hình chăn nuôi chi phí đầu tư ít, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhằm đa dạng hóa mô hình chăn nuôi, cuối năm 2011, Phòng Hậu cần Lữ đoàn Xe tăng 202 tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm qui mô lớn, hiệu quả cao của một số hộ gia đình tại tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình. Qua  tìm hiểu cho thấy, mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp theo kiểu nuôi nhốt, bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao vì dễ chăm sóc, ít bệnh dịch, dễ tiêu thụ, chi phí đầu tư mua con giống và làm chuồng trại ban đầu ít. 

 

Đầu năm 2012, Phòng Hậu cần Lữ đoàn đề xuất và được chỉ huy Lữ đoàn nhất trí phương án tổ chức mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp tại khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung. Khu chuồng nuôi có diện tích 80 m2 gồm: 40 m2 chuồng và 40 m2 sân chơi cho chim, tổng chi phí xây dựng hết 30 triệu đồng. Khu chuồng nuôi chim được xây dựng bằng tường cao 50 cm kết hợp với hệ thống cột bê-tông và lưới sắt, xung quanh che bạt; mái lợp tấm fibro-xi măng; phía trong bố trí các ô chuồng làm bằng gỗ ép, kích thước 40 x 60 x 50 cm để chim đẻ và ấp trứng. Xung quanh khu chuồng nuôi và sân được quây kín bằng lưới thép B40 để chim không bay ra ngoài. Toàn bộ khu chuồng được xây dựng trên nền đất cao, chắc chắn, tránh được mưa to, gió lớn và chó, mèo, chuột phá hại; có đủ ánh nắng mặt trời để chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.  Sau khi xây dựng xong chuồng nuôi, Phòng Hậu cần đầu tư 20 triệu đồng mua 100 đôi chim bồ câu giống tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang về nuôi. Việc chăm sóc đàn chim giao cho 01 nhân viên có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi gà thuộc tổ TGSX tập trung đảm nhiệm.

 

 

 

Khu nuôi chim bồ câu của Lữ đoàn. Ảnh: Đình Thảo.

Khi nuôi chim giống được 15 ngày, một số con có biểu hiện không chịu ăn, ủ rũ và chết. Qua tìm hiểu được biết nguyên nhân là do đàn chim lạ chuồng; thiếu muối trắng và sỏi để ăn (giúp cho tiêu hóa thức ăn dễ dàng); lại chưa có bể cát vàng để chim tắm. Đơn vị đã khẩn trương khắc phục những yếu tố trên, giúp đàn chim phát triển bình thường và sau 3 tháng nuôi, chim bắt đầu đẻ lứa đầu tiên.

Qua hơn 2 năm tổ chức chăn nuôi chim bồ câu Pháp, Lữ đoàn 202 rút ra kinh nghiệm là: thức ăn cho chim nên sử dụng thóc, ngô hoặc gạo lứt (thóc xay vỏ), kết hợp với cám tổng hợp để chim mau lớn. Mỗi ngày cho ăn 02 lần (từ 6-7 h và từ 14-15 h); số lượng thức ăn tuỳ theo từng lứa chim, thông thường lượng thức ăn bằng1/10 trọng lượng cơ thể. Ví dụ: Chim từ 2-5 tháng tuổi cho ăn 40-50g thức ăn/con/ngày; khi chim sinh sản (6 tháng tuổi trở lên) hoặc nuôi con cho ăn 65-70g/con/ngày; hàng ngày cho chim ăn một lượng nhỏ muối tinh. Quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng, sân chơi, máng nước, máng ăn để phòng dịch bệnh; hàng ngày phải bổ sung nước sạch để chim tắm; khi bể cát vàng gần hết phải bổ sung ngay; hạn chế người qua lại. Chim bồ câu có đặc tính sống theo đôi, vì vậy, khi có 1 con của đôi nào đó bị chết thì nên loại bỏ con còn lại.

 

Thông thường chim bồ câu đẻ 2 quả trứng/lứa, mỗi quả cách nhau 36-48h. Quá trình ấp trứng, chim trống và chim mái thay phiên nhau ấp, chim mái ấp buổi sáng và ban đêm, chim trống ấp buổi chiều; sau khi ấp 20 ngày chim non mới nở. Khi nở được 1-2 giờ, chim trống, chim mái mớm cho chim non dung dịch trắng như sữa đến khi được 5-6 ngày tuổi rồi mới thay bằng thức ăn đã được tẩm dịch tiêu hoá. Khi được 20-24 ngày tuổi, chim non có thể tự ăn, tuy vậy vẫn cần sự chăm sóc của chim bố mẹ. Chim bồ câu sinh sản rất nhanh, từ chim giống, nuôi đến khi sinh sản khoảng 2,5-3 tháng. Sau khi nở được 10 ngày, có thể chuyển chim con sang ổ bên cạnh để chim trống nuôi, cách làm này để chim mái tiếp tục đẻ trứng. Với việc duy trì 200 cặp chim bồ câu sinh sản, mỗi tháng Lữ đoàn bán khoảng 50 đôi chim bồ câu giống hoặc chim thịt. Hiện nay, giá bán 1 đôi chim giống trên thị trường có giá trung bình là 250.000 đồng; như vậy mỗi tháng, Lữ đoàn thu lãi từ 6-6,5 triệu đồng.   

 

Thực tế chăn nuôi chim bồ câu Pháp ở Lữ đoàn 202 cho thấy, đây là một mô hình chăn nuôi gia cầm chi phí đầu tư, nhân công ít, hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng qui mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn (lữ đoàn) để đa dạng vật nuôi, cung cấp thực phẩm chất lượng cao phục vụ bữa ăn bộ đội ngày lễ, tết hoặc bán ra thị trường tăng nguồn thu nhập cho đơn vị.

Thiếu tá Dương Đức Toàn