Nằm bên bờ sông Tiền thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 được nhiều người trong cả nước biết đến. Bởi đây không chỉ là địa chỉ chữa rắn độc cắn lớn nhất mà còn là nơi bảo tồn nhiều loại rắn và cây thuốc quí. Trung bình hằng năm, Trung tâm cấp cứu và điều trị khỏi cho hơn 1.000 người bị rắn cắn, trong đó, có khoảng 70-80% là rắn độc.
Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị
Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu có chức năng nghiên cứu khoa học, cấp cứu và điều trị cho quân và dân bị rắn độc cắn; sản xuất thuốc y học dân tộc, bảo tồn cây, con thuốc làm dược liệu. Những năm gần đây, Trung tâm đã triển khai thực hiện nhiều đề tài và dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ và áp dụng rất hiệu quả trong công tác cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, như: “Phát triển và khai thác nguồn gen rắn hổ đất và rắn hổ chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc”; “Nghiên cứu sinh lý, sinh thái của rắn”; “Nghiên cứu thuốc chữa rắn cắn bằng cây Kim vàng”; “Nghiên cứu thuốc chống lạnh dùng đạm thuỷ phân từ thịt rắn”; “Nuôi bảo tồn rắn hổ hèo”.... Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế nghiên cứu thực nghiệm kháng huyết thanh rắn độc, dùng để chữa trị những trường hợp bị rắn độc cắn. Đây là thuốc đặc trị dùng để trung hoà nọc độc của rắn có hiệu quả cao trong điều trị cho những nạn nhân bị rắn độc cắn. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp hỗ trợ các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh trong việc chuyển giao phác đồ điều trị, tư vấn điều trị, đào tạo nâng cao trình độ điều trị rắn độc cắn cho các cán bộ y tế. Đồng thời phối hợp cùng với các trạm y tế địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân nắm rõ cách phòng ngừa, cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn độc cắn, trước khi đưa đến bệnh viện gần nhất.
Bảo tồn, khai thác nguồn gen quý
Từ năm 1999 đến nay, công tác bảo tồn gen các loài rắn độc được Trung tâm đưa vào chương trình bảo tồn gen quốc gia. Đây là việc làm mang tính khoa học nhằm bảo tồn bền vững nguồn gen đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trung tâm đã xây dựng được qui trình khai thác nọc rắn đảm bảo nọc đủ tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ sản xuất thuốc. Mỗi lần lấy nọc rắn chỉ được 1-2 giọt nọc/con, một năm mỗi con chỉ cho khoảng hơn chục giọt nọc độc. Chỉ cần 10g nọc rắn có thể điều chế đủ lượng huyết thanh phục vụ nhu cầu cả nước trong một năm. Nọc của rắn hổ mang đất và hổ mang chúa là dược liệu dùng để sản xuất “kháng huyết thanh” chữa rắn cắn rất hiệu quả. Để bảo tồn và phát triển 2 loại rắn này, Trung tâm tuyển chọn rắn bố mẹ (trên 2 năm tuổi đúng giống, ổn định và khỏe mạnh), lập mã số, ghép đôi giữa các cá thể đực-cái theo “gia phả” để thế hệ sau không bị đồng huyết. Hiện Trung tâm đang tiến hành theo dõi, tuyển rắn sinh sản và hậu bị trong 250 con rắn hổ mang đất và hơn 150 con rắn hổ mang chúa. Ngoài việc bảo tồn rắn, Trung tâm còn dành riêng 3.000m2 đất trồng hàng trăm loại dược liệu quý hiếm. Có một số cây thuốc Nam dùng cho sơ cứu rắn cắn hiệu quả, như: Cây Kim vàng có tác dụng làm chậm độc tính phát tác. Lá cây Trầu không pha muối giúp rửa vết thương rắn cắn nhanh lành, sạch sẽ…
“Khắc tinh” của loài rắn độc
Hiện Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn có 20 giường bệnh, với 11 y bác sĩ. Trung bình mỗi năm, Khoa tiếp nhận và điều trị cho trên dưới 1.000 trường hợp bị rắn cắn, trong đó, nạn nhân bị rắn độc cắn chiếm 70-80%, với tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối. Nhờ có huyết thanh kháng nọc rắn, các trường hợp bệnh nhân bị rắn độc cắn khả năng cứu sống là 100% nếu đưa đến bệnh viện khi còn… thở. Theo các y, bác sĩ ở đây, “bí quyết” trong quá trình điều trị nạn nhân bị rắn độc cắn là chẩn đoán chính xác loài rắn nào cắn để có hướng điều trị đạt hiệu quả cao. Nhiều trường hợp bị rắn độc cắn khi chuyển đến đây trong tình trạng “thập tử nhất sinh,” nhưng bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề cộng với trình độ chuyên môn cao của các y, bác sĩ đã giành lại sự sống cho nhiều người dân. Điển hình như trường hợp chị Lê Thị Thúy Hồng (sinh năm 1963) đang làm ăn, sinh sống tại tỉnh Sapalaket (Lào) bị rắn chàm quạp cắp vào mu bàn tay. Sau khi sơ cứu, chị được chuyển bằng máy bay về Việt Nam. Lúc nhập viện (23/9/2014), chị bị rối loạn đông máu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết da, niêm mạc. Ngay khi xác định vết cắn, chị được chỉ định dùng kháng huyết thanh chiết xuất từ chính nọc loài rắn độc này nên thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Sau gần 1 tuần điều trị, chị được xuất viện và trở lại làm ăn bình thường. Hay trường hợp ông Nguyễn Hữu Tài, 65 tuổi, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre bị rắn hổ đất đớp vào chân. Ông được gia đình đưa đi cấp cứu và xuất viện sau hơn ba tháng điều trị.
Điểm tham quan du lịch độc đáo
Không chỉ làm nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học, điều trị các bệnh nhân bị rắn độc cắn, Trung tâm còn là nơi thu hút khách du lịch bởi sự mới lạ và độc đáo của mình. Khách đến đây được nghe giới thiệu về Trung tâm và tham quan toàn bộ khu vực nuôi rắn và các loại động vật. Hiện, Trung tâm có hơn 40 loài rắn các loại với hàng ngàn cá thể rắn. Từ các loại rắn hổ nặng hơn 10 kg đến những loài rắn lục nhỏ bé, từ rắn cực độc như hổ ngựa, hổ cạp nong, hổ mai gầm… đến những loài vô hại như rắn ráo, rắn nước… Trong đó đáng kể nhất là rắn hổ chúa 17 tuổi, dài 4,2m, nặng 18kg-đây là loại rắn cực độc, được xếp bậc E trong sách Đỏ Việt Nam. Nơi đây còn nuôi dưỡng và cho nhân giống thành công loài gấu ngựa; trăn, trăn gấm; công, trĩ, đà điểu, khỉ, cáo, cá sấu và ba ba vàng vô cùng hiếm ở nước ta, có trọng lượng lên đến 40kg. Đặc biệt, trong khuôn viên bảo tồn có một bảo tàng rắn được xây dựng từ năm 1996, trưng bày gần 100 loài rắn quý hiếm và lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện đang sống ở Việt Nam. Tháng 8-2005, bảo tàng rắn của Trung tâm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên và là nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam, với hơn 40 loài rắn đặc trưng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Để thu hút khách tham quan, vừa qua, Trung tâm đã đầu tư 4,8 tỷ đồng nâng cấp và xây mới nhà nghỉ chân, căng tin phục vụ vui chơi, ăn uống; nâng cấp, sửa chữa phân xưởng thuốc đông dược; chỉnh trang vườn dược liệu, cải tạo vườn hoa cây cảnh; mua thêm các loại chim, thú mới, phủ sóng wifi khu vực tham quan; thành lập trang web: www.trairandongtam.com.vn. Ngoài ra, Trung tâm có nhiều chế độ ưu đãi như miễn phí hoàn toàn vé tham quan đối với bộ đội, công an, thương binh, cựu chiến binh, học sinh tiểu học, trẻ em; giá vé bình quân từ 15.000 -25.000 đồng/người. Hiện mỗi năm có khoảng 120.000-130.000 lượt du khách quốc tế và trong nước đến tham quan.
Mới đây, Trung tâm đã hoàn thành hồ sơ trình các cấp thẩm quyền cho phép lập dự án thuê 27,4 ha đất rừng tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để bảo tồn các loài rắn độc và các loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là chủ trương mang tính chiến lược nhằm giữ gìn, phát triển các nguồn gien quý, hiếm, góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật phục vụ đời sống con người.
Nếu bị rắn cắn, nạn nhân cần được ga-rô cách trên chỗ bị cắn 5cm; rửa sạch và băng bó vết thương rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất một cách nhanh chóng để kịp thời chữa trị và để tránh việc phát tán của nọc rắn. Nếu biết được loại rắn nào cắn thì càng tốt, rút ngắn thời gian chẩn đoán và chỉ định dùng huyết thanh phù hợp. |
Bài, ảnh: HỒNG TRANG