Hiện nay, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3) là một trong số ít đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên trồng được giống bí xanh “khổng lồ”, trọng lượng lên tới 70 kg/quả. Chỉ với 2.500 m2 giàn, trung bình mỗi năm, Trung đoàn thu hoạch trên 30 tấn bí xanh, thu lãi trên 110 triệu đồng.
Tới thăm khu vực trồng bí xanh của Đại đội 15, chúng tôi rất ngỡ ngàng trước những quả bí xanh “khổng lồ” chưa nhìn thấy bao giờ. Trên giàn bí rộng chừng hơn 450m2 có tới hàng trăm quả to như thùng đựng nước, lủng lẳng trên giàn.
Như hiểu được sự tò mò của chúng tôi, Trung tá Đỗ Quang Hanh-Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn cho biết: Giống bí đao vỏ xanh cao sản này có nguồn gốc từ huyện Phù Mỹ- tỉnh Bình Định. Theo người dân địa phương, không ai biết giống bí xanh “khổng lồ” này được trồng từ khi nào. Chỉ biết rằng, hiện nay, người dân ở huyện Phù Mỹ gọi là giống bí truyền thống. Giống bí này phát triển rất nhanh, năng suất cao, ruột đặc, thơm, có thể bảo quản được 12 tháng sau khi thu hoạch. Năm 2010, một chiến sỹ của Trung đoàn quê ở Bình Định sau lần nghỉ tranh thủ đã mang một ít hạt giống lên đơn vị trồng thử và giống bí này xuất hiện ở Trung đoàn 28 từ đó.
 |
Chằng buộc bí xanh trên giàn (Ảnh Đức Thịnh) |
Qua tìm hiểu được biết, kỹ thuật trồng giống bí xanh này không khác nhiều so với giống bí xanh khác. Hàng năm, có thể trồng từ 2-3 lứa, thời gian trồng từ tháng 2-9 âm lịch. Đại úy Vũ Đức Thịnh-Trợ lý Quân nhu Trung đoàn kể lại: Lần đầu tiên đưa giống bí xanh này vào trồng thử nghiệm, mọi người đều háo hức chờ đợi được chiêm ngưỡng những quả bí to hàng chục ki-lô-gam. Nhưng sau hơn 2 tháng trồng, lứa bí đầu tiên chỉ ra vài quả, đến kỳ thu hoạch trọng lượng chỉ đạt 10-12 kg, làm cho ai nấy đều thất vọng. Dù ra sức chăm sóc nhưng lứa sau năng suất cũng chẳng tăng hơn nhiều.
Đang trong lúc bế tắc, đầu năm 2013, một thân nhân của chiến sỹ cũng quê ở huyện Phù Mỹ-Bình Định lên thăm Trung đoàn, thấy bộ đội trồng không đúng kỹ thuật nên đã dành thời gian ở lại đơn vị, truyền đạt kinh nghiệm trồng giống bí này. Theo đó, đất trồng bí được đào sâu 20cm, đổ phân chuồng đã hoai mục trộn với bùn ao phơi khô xuống, rồi lấp đất lên, vét thành luống cao từ 20-25cm, rộng 1,5-2m. Cây giống được ươm trong bầu, khi đã có 2 lá mầm thì đưa vào trồng. Lứa bí đầu, trồng ở 2 mép luống, mỗi cây cách nhau 1m; lứa thứ 2 trồng lùi vào giữa luống, cách cây lứa thứ nhất 40 cm; lứa thứ 3 trồng ra mép luống như lứa đầu. Để có đủ cây giống cho từng lứa, khi lứa thứ nhất trồng được khoảng 1,5 tháng thì tiến hành ươm cây giống cho lứa thứ 2 và trồng vào luống khi lứa trước được 2 tháng thì trồng tiếp. Kết thúc lứa trước, cây bí lứa sau đã leo giàn là vừa. Mỗi năm phải làm đất, bón phân chuồng 1 lần. Ngoài việc chăm sóc, tưới nước bình thường, đến khi ra hoa, nhất thiết phải bón thúc phân hữu cơ tổng hợp cho bí để nuôi quả. Khi lứa quả đầu có trọng lượng từ 20-25 kg thì thu hoạch để bí ra tiếp lứa thứ 2, rồi để phát triển đến 60-70 kg, quả ra phấn trắng mới thu hoạch. Do quả bí có trọng lượng lớn, nên phải làm giàn chắc chắn và sử dụng dây để treo cẩn thận.
Tiếp thu kinh nghiệm quí này, ngay lứa bí sau, đơn vị đã thu được những quả bí có trọng lượng tới 50-60 kg, năng suất tăng cao hơn rất nhiều. Nhận thấy trồng giống bí này cho năng suất cao, tốn ít diện tích, năm 2014, Hậu cần Trung đoàn đã chỉ đạo mở rộng diện tích ở tất cả các tiểu đoàn để cung cấp cho bữa ăn thường xuyên, dự trữ trong thời gian giáp vụ và sử dụng khi huấn luyện dã ngoại dài ngày. Đơn vị còn liên hệ với cơ sở kinh doanh tại các chợ đầu mối để tiêu thụ, tạo nguồn thu quĩ cho đơn vị. Binh nhất Nguyễn Văn Trình, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chiến sỹ Tiểu đoàn 2 tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em nhìn thấy những quả bí to như thế này. Trong thời gian huấn luyện tại đơn vị, em sẽ cố gắng học tập kinh nghiệm và kỹ thuật gieo trồng để sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê sẽ mang giống bí này về trồng”. Rất mong thành công của Trung đoàn 28 sẽ được nhân rộng ra nhiều đơn vị khác, góp phần nâng cao hiệu quả TGSX, cải thiện đời sống.
LƯƠNG THẢO