Mối là loài côn trùng đa hình thái, sống theo đàn, có tổ chức chặt chẽ, tốc độ sinh sản nhanh, phá hoại lặng lẽ, bí mật gây thiệt hại lớn đối với các công trình xây dựng (sụt nền, móng, ẩm mục tường, gây xuống cấp công trình, sự cố chập mạch điện ngầm…), làm tốn nhiều công sức, kinh phí sửa chữa khắc phục công trình. Mối còn thải ra các loại khí thải có hại cho sức khỏe con người trong môi trường kín. Do vậy, để bảo đảm an toàn các công trình doanh trại, nhất là các công trình xây dựng ở nơi có mối hoạt động, phải chú trọng phòng chống mối.

Hàng năm, các đơn vị trong toàn quân đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống mối, như duy trì vệ sinh môi trường doanh trại, nhử và diệt mối… nhằm kéo dài tuổi thọ công trình, đáp ứng nhu cầu sử dụng của đơn vị. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cũng còn một số tồn tại, khó khăn là: các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật về phòng, diệt mối, kinh phí hạn chế. Nhiều công trình doanh trại khi thiết kế không tính đến việc phòng chống mối, thậm chí đã xây dựng được 50% công trình theo tiến độ mới đưa ra giải pháp phòng mối. Để khắc phục thực trạng trên, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống mối cho công trình xây dựng, các đơn vị cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Phát hiện mối sớm  

Thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu hoạt động của mối trong công trình, như: vết đất, đường mui do mối đắp, phân mối đùn ra từ trong gỗ (phân tròn, nhỏ như hạt cát, màu nâu nhạt), các vết gặm trên gỗ, ụ đất đắp trên nền hoặc khe tường… Cách phân biệt giữa đất đùn lên do mối so với động vật khác ở chỗ đất đắp kết dính chặt với nhau, không bở rời. Kiểm tra các khung cửa gỗ bằng cách dùng tuốc- nơ- vít hoặc đục tách nẹp ra để xem, nếu thấy đường mối đi thì chứng tỏ có mối.Kiểm tra các góc tường, khe lún, đường dây dẫn điện, ống cấp thoát nước các ngôi nhà.Gõ mạnh vào các kết cấu gỗ thấy âm phát ra vang thể hiện rỗng bên trong, có thể mối đang phá hoại hoặc nghe tiếng lách tách thì đó là tiếng mối báo động nhau. Định kỳ kiểm tra các doanh cụ bằng gỗ, hộp bìa cứng đựng giấy tờ, đồ vật, hoặc quan sát khi quét dọn vệ sinh ở các vị trí kín. Nếu phát hiện thấy mối chạy thì chắc chắn trong công trình đã bị nhiễm mối.  Công trình bị mối gây hại nặng khi thấy mối bay phân đàn từ các lỗ trong tường, trong gỗ; một số cấu kiện gỗ bị rỗng hoặc gãy đổ…

Ảnh minh họa: chongmoi.vn.

Phòng, chống mối khi xây dựng công trình

Khi bắt đầu xây dựng công trình, giai đoạn khảo sát phải chú ý phát hiện mối trong khu đất xây dựng. Quan sát kỹ tàn dư thực vật (gỗ cây mục, cột gỗ…) có trong khu đất, các công trình lân cận và nhà ở xung quanh. Khi phát hiện có mối phải lập hồ sơ ghi rõ từng loại (mối gỗ khô, mối đất, mối nhà) và mức độ hoạt động để làm cơ sở thiết kế phòng chống mối cho công trình. Có thể xử lý đất nền bằng cách đào hào phía ngoài (rộng 50 cm, sâu 60-80 cm) và phía trong (rộng 30cm, sâu 40cm ) xung quanh sát mặt tường móng công trình nhằm ngăn ngừa mối từ các vùng lân cận và dưới lòng đất xâm nhập. Sau đó trộn đất với dung dịch theo tỷ lệ 1 m3 đất/18 lít dung dịch Lenfos 50EC (1,2%) rồi lấp lại.

Mặt nền bên trong công trình phải được dọn sạch cỏ, rác, giấy, vải, tre, nứa, gỗ, lá, rễ cây…Khi san lấp nền, nếu phát hiện tổ mối thì phải đào tới tổ, sau đó tưới vào đó khoảng 20-30 lít dung dịch thuốc chống mối 10% PMs -100 hoặc loại thuốc có tác dụng tương đương rồi lấp lại. Trước khi lát nền, cần phải tạo màng hóa chất phủ kín mặt đất rồi mới lát gạch nền để ngăn chặn mối từ đất chui lên hoặc từ trên chui xuống làm tổ. Khi thi công móng và nền phải dọn sạch các tấm ván, gỗ vụn, vỏ bao xi măng, giấy vụn… Các đoạn đường ống cấp, thoát nước, cấp điện đi qua nền nhà tầng trệt, tầng hầm (nếu có) hoặc các khe lún làm gián đoạn hào chống mối phải được bổ sung thuốc phòng chống mối. Các chân khung cửa tầng trệt khi chôn xuống đất nền phải có lớp bê tông dày ( ≥ 50 mm) bao kín xung quanh và dưới chân khung cho tới cốt 0.00 m của mặt nền. Các khuôn cửa, chân cột bằng gỗ phải được ngâm tẩm thuốc bảo quản gỗ trước khi lắp đặt.

Các công trình đã xây dựng, tùy theo tính chất và mục đích sử dụng của công trình có thể thực hiện phòng chống mối cục bộ (vị trí quan trọng) hoặc phòng mối toàn diện (công trình quan trọng). Các công trình đã xây dựng thường vận dụng biện pháp cách ly hóa học cho các chân cột, khuôn cửa gỗ ở tầng cuối cùng, chân cầu thang, khe lún, khe co giãn… Biện pháp chính là khoan lỗ để bơm thuốc vào chân cột, khuôn cửa, dùng hàng rào hóa chất xung quanh công trình và xử lý chân tường bằng cách đào sâu từ 60-80cm, rộng 50cm sát mặt tường móng; đất được đào lên trộn với thuốc, lấp đầy và lèn chặt.

Kê xếp hàng hóa, vật chất trong kho khoa học, hợp lý

Các loại hàng hóa, vật chất trong kho phải được kê xếp khoa học, hợp lý, có lối đi lại để kiểm tra tình hình mối và sự phá hoại của các loại côn trùng, sinh vật khác trong kho.Hàng hóa cần được kê xếp cách tường từ 40 cm trở lên, cách trần ít nhất 80 cm. Không để các vật, dây trên trần chạm tới hàng hóa để mối có thể xâm nhập từ trần xuống. Hàng hóa phải được xếp trên sàn, kệ cách mặt đất 40-50 cm. Trên trụ đỡ sàn chứa hàng hóa có thể đặt khay kim loại hình vuông hoặc hình chữ nhật, thành khay nghiêng một góc 450, bờ mép bẻ xuống ≥ 3 cm, gò hoặc hàn mối nối phẳng, kín để chống lại tập tính của mối lợi dụng các điểm giáp nhau giữa hai cạnh làm đường đi. Nếu đặt khay trên trụ đỡ sàn úp xuống thì chiều cao trụ từ mặt đất đến khay khoảng 20-25 cm, phía trên khay trụ còn khoảng 10-15 cm. Nếu trụ đỡ làm bằng gỗ phải quét thuốc chống mối, các chân kệ, giá để hàng hóa phải được đặt trong khay kim loại, lòng khay quay lên phía trên. Trụ đỡ sàn chứa hàng hóa cũng có thể đặt khay theo kiểu này, khi đó chiều cao trụ khoảng 25 cm.

Ngoài ra, để ngăn chặn mối từ ngoài xâm nhập vào kho, cần tạo một lớp cách ly tường và nền toàn diện và liên tục bằng cách trát vữa xi măng cát vàng mác ˃80, theo tỷ lệ 1:2 (1 xi măng, 2 cát vàng), chiều dày khoảng 3-4cm.

Duy trì thực hiện tốt vệ sinh môi trường

Các đơn vị cần tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt nền nếp vệ sinh doanh trại hàng ngày, hàng tuần, kết hợp chặt chẽ với phong trào “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Vệ sinh sạch sẽ trong nhà và quanh nhà khoảng 5-10m; khơi thông cống rãnh, thoát hết nước đọng, lấp các hố bùn, nước, dọn sạch cỏ, rác, cành cây, gỗ mục để triệt phá nguồn thức ăn, nước uống, nơi ẩn nấp của mối, không để mối xâm nhập làm tổ.

Vận dụng linh hoạt các phương pháp diệt mối, bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người và tài sản

Không tự xịt thuốc diệt côn trùng vào nơi phát hiện có mối, vì nếu làm như vậy chỉ diệt được một số mối thợ, mối lính mà không diệt hết được cả tổ mối. Tùy theo tính chất, mức độ thực tế công trình và đặc điểm loại mối, có thể diệt mối trực tiếp bằng cách đào tổ, đốt hoặc dùng thuốc diệt mối hoặc theo phương pháp hóa sinh. Hiện nay, thường áp dụng phương pháp hóa sinh để diệt mối, có thể diệt được tất cả các tổ mối ở bất cứ vị trí nào trong công trình, chi phí thấp, hiệu quả cao, nhưng phải tuân thủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật (nhử mối, phun thuốc; thu dọn và kiểm tra kết quả). Đó là nhử và tập trung mối về một vị trí nhất định, sau đó dùng thuốc diệt mối dạng bột phun vào các con mối, làm cho chúng dính thuốc chạy về tổ, con này sẽ lây sang con khác và lây lan ra cả tổ, sau 7-10 ngày toàn bộ tổ mối sẽ bị tiêu diệt.

Để diệt mối theo phương pháp hoá sinh, trước hết phải chuẩn bị mồi nhử (các loại gỗ mềm như trám, trẩu, bồ đề, mỡ...) hoặc mua mồi nhử tại các cơ sở diệt mối trên thị trường. Thanh gỗ làm mồi nhử mối thường rộng từ 3-10 cm, dày 1-1,5 cm, dài tuỳ thuộc vào kích thước hộp nhử, hố nhử (hộp nhử, hố nhử thường có kích thước 30x30x30cm). Mỗi cạnh của hộp nhử, hố nhử phải có lỗ tiêu thoát nước hoặc lỗ thông hơi, đường vào cho mối và có nắp để mở khi phun thuốc. Mồi nhử thường tẩm thêm dung dịch nước đường tỷ lệ 20% để mối tập trung nhanh hơn. Khi mồi nhử tẩm dung dịch nước đường đã khô mới xếp vào hộp nhử. Đặt hộp nhử mối ở các vị trí yên tĩnh; cứ có đường mối đi ở đâu, thấy mối xuất hiện là đặt hộp ở đó.Nếu thấy mối xuất hiện nhiều nơi thì đặt ở góc nhà, sát mặt đất là tốt nhất để không ảnh hưởng sinh hoạt, tiện phun thuốc.Mùa đông, tránh đặt hộp nhử ở nơi gió lạnh, vì mối chỉ tập trung ở những nơi ẩm, kín gió.Khi mối đã tập trung nhiều thì phun thuốc tạo thành làn bụi vào hộp nhử.Sau 2-3 ngày thì dọn bỏ hộp nhử.Sau khi diệt mối lần thứ nhất bằng phương pháp hóa sinh, cần phải dọn sạch mồi nhử, hộp nhử đem đốt bỏ để tránh nhiễm độc cho người. Cứ 4-6 tháng phải kiểm tra tình hình mối một lần, kiểm tra toàn bộ các vị trí, nhất là những nơi kín đáo, nơi mối dễ xâm nhập, nếu thấy mối hoạt động thì tiếp tục nhử và diệt tiếp.

Phòng, chống mối là một trong nội dung công việc rất quan trọng để kéo dài tuổi thọ công trình và bảo vệ tài sản. Để phòng, chống mối hiệu quả, trước hết phải được sự quan tâm của người chỉ huy đơn vị và ngành nghiệp vụ cấp trên. Đồng thời, vận dụng các biện pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của đơn vị.

Đại tá, TS VŨ VĂN QUÂN (Học viện Hậu cần)