Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, ngành Quân nhu Quân khu 9 đã đưa vào sử dụng “Bếp trấu cải tiến dùng để chế biến các món chiên (rán)”. Đây là loại bếp trấu hóa khí có hiệu quả sử dụng cao, tiết kiệm được 40% lượng chất đốt, giảm cường độ lao động của nuôi quân, hạn chế khói bụi, bảo đảm vệ sinh môi trường so với bếp trấu thông thường.
Bếp được làm bằng khung sắt V3, xung quanh có lớp tôn dày 0,4mm, có hệ thống cung cấp gió, có bánh xe để tiện cơ động di chuyển. Buồng đốt chứa được 10 kg trấu cung cấp nhiệt để nấu ăn trong thời gian 1 giờ 30 phút, bảo đảm cho đơn vị có thể chiên (rán) được từ 18 - 20 kg cá. Hiện phòng Quân nhu Quân khu 9 đang sản xuất 3 cỡ bếp 300mm, 400mm và 500mm để phục vụ cho các đơn vị.
 |
Sơ đồ kỹ thuật bếp Trấu.cải tiến loại 500 mm
|
I. Cấu tạo của bếp
1. Buồng đốt:
a. Tác dụng: Đây là bộ phận chính của bếp, vừa là buồng chứa trấu, vừa là buồng đốt tạo ra nhiệt để đun nấu.
b. Cấu tạo: gồm thân buồng đốt, vỉ ngăn trấu và nắp miệng lò. Thân buồng đốt được làm bằng một ống sắt (hoặc gang đúc), hình trụ dày 3mm, có đường kính 300mm, 400mm, 500mm, chiều cao 600mm.
- Mặt dưới của ống được đậy bởi vỉ ngăn trấu, phía trên được đậy bởi nắp miệng lò. Mép trên của buồng chứa trấu được khoan nhiều lỗ thông gió có đường kính 6mm, khoảng cách giữa các lỗ 10mm, lỗ thông gió cách mép trên cùng của miệng lò 30mm.
- Vỉ ngăn trấu: Làm bằng sắt dày 2mm có đường kính tương ứng từ 300, 400, 500mm, phía trong liên kết với thân lò bằng các bản lề, phía ngoài chuyển động lên xuống. Vỉ ngăn trấu được khoan nhiều lỗ thông gió hình tròn có đường kính 4mm, lỗ cách lỗ 10mm, có tác dụng ngăn trấu và tro nằm lại trong buồng đốt không bị rơi xuống và đưa gió vào buồng đốt bằng các lỗ thông gió.
- Nắp miệng lò: Làm bằng I-nốc tấm dày 2mm có đường kính từ 320, 430, 540mm, giữa tâm khoét lỗ tròn có đường 150mm để nhiệt thoát ra cung cấp cho dụng cụ nấu. Phía trên được gắn các thanh đỡ nồi và kiềng tròn có tác dụng chắn gió, giữ nhiệt.
2. Hệ thống cung cấp gió
a. Tác dụng: Cung cấp oxy cho quá trình cháy, đây là điểm khác biệt so với các loại bếp đun trấu thông thường. ở bếp đun trấu thông thường việc cung cấp oxy dựa vào sự chuyển động không khí từ nơi có áp suất cao (ở khu vực xung quanh đám cháy) đến nơi có áp suất thấp (khu vực đám cháy). Đối với loại bếp này việc cung cấp oxy cho đám cháy được thực hiện bởi 1 quạt điện (tạo ra áp suất không khí cao) nên quá trình cháy diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, hoàn toàn hơn (ngọn lửa màu xanh, ít khói và tro màu bạc).
b. Cấu tạo: Gồm quạt gió dùng dòng điện AC 220v, 38w, không khí từ bên ngoài được đẩy vào buồng gió qua các lỗ thông gió để cung cấp cho đám cháy trong buồng đốt. Gió cung cấp cho buồng đốt từ 2 đường: Từ các lỗ thông gió ở phía trên, bên trong miệng lò và từ các lỗ ở phía dưới của vỉ ngăn trấu.
- Buồng gió là phần trống nằm dưới cùng của bếp, có hình hộp đáy vuông cạnh 550, 650mm và cao 120, 150mm; buồng gió cũng là nơi để lấy tro ra.
- Đường dẫn gió là khoảng trống giới hạn bởi buồng chứa trấu với lớp tôn và tấm amian cách nhiệt bao phía ngoài thông với buồng gió bằng các lỗ khoan có đường kính 10 mm.
- Lỗ thông gió là các lỗ trên vỉ chứa trấu và các lỗ trên buồng chứa trấu nằm gần miệng bếp. Là nơi cung cấp không khí cho đám cháy.
3. Khung bếp và lớp cách nhiệt
Khung bếp có hình hộp, đáy vuông có cạnh dài 450, 550, 650mm, cao 750mm được làm bằng sắt V3 hàn lại với nhau. Khung bếp có tác dụng gắn kết các bộ phận của bếp và chịu lực, có tác dụng đỡ dụng cụ đun nấu.
Lớp cách nhiệt là tấm sợi thủy tinh và amian được đưa vào giữa lớp vỏ ngoài của buồng đốt và lớp tôn, có tác dụng giữ nhiệt cho buồng đốt, tăng hiệu suất cung cấp nhiệt, vừa hạn chế nhiệt làm nóng vỏ ngoài cùng của bếp. Ngoài ra, bếp còn có công tắc điện để tăng, giảm hoặc tắt, mở quạt gió; vỉ đặt nồi; kiềng chắn gió; bốn bánh xe để di chuyển.
II. Cách sử dụng
1. Đổ trấu vào buồng đốt đến sát mép các lỗ thông gió (cách 20 mm).
2. Mở công tắc quạt ở mức cao, thực hiện nhóm lửa bằng giấy hoặc dầu; đợi 2-4 phút sau, bếp cháy lớn thì thực hiện các thao tác rán, nấu thức ăn.
3. Tăng, giảm lượng nhiệt của bếp bằng cách tăng, giảm tốc độ quạt gió.
4. Thời gian cháy của bếp khoảng 01 giờ 25 phút. Thời gian ủ nhiệt sau khi cháy hết trấu là 30 phút.
*Một số điểm chú ý khi sử dụng:
- Tiếp trấu cho bếp, phải đổ trấu từ từ vào buồng đốt đến sát các lỗ thông gió, không nén hoặc rung lắc. Khi lấy tro phải hạ vỉ ngăn trấu, không được xúc, hốt trong miệng buồng đốt.
- Khi bếp cháy được 2/3 lượng trấu, nếu có hiện tượng tắt bếp (ít xảy ra), lúc đó cần tăng gió mạnh hơn và nhóm lại bếp bằng cách đốt giấy hoặc lấy giẻ nhúng dầu đốt rồi thả vào, bếp sẽ cháy lại bình thường. Để khắc phục hiện tượng này khi bếp cháy đến 2/3 lượng trấu (2/3 chiều cao buồng đốt), cần tăng quạt gió mạnh hơn.
- Quá trình đun nấu phải luôn giữ cho quạt gió chạy thường xuyên để tránh bếp tắt do thiếu không khí.
- Khi đang đốt không được mở nắp buồng gió (cửa lấy tro), bởi buồng gió không kín, gió thoát ra ngoài, bếp sẽ bị tắt.
IV. Một số ưu, nhược điểm của bếp
1. Ưu điểm
- Hiệu suất cung cấp nhiệt cao: Với 10 kg trấu, bếp đun trấu cải tiến rán được 18 kg cá, bếp truyền thống chỉ rán được 12 kg cá; hiệu suất sử dụng nhiệt tăng khoảng 40% so với bếp bình thường.
- Cấu tạo gọn, sạch sẽ, dễ cơ động, thích hợp khi trang bị cùng hệ thống bếp lò hơi cơ khí.
2. Nhược điểm
- Giá thành tương đối cao, khoảng 4.500.000 đồng/bếp (đã có VAT).
- Phải sử dụng nơi có nguồn điện xoay chiều (điện lưới).
- Thời gian đun nấu không liên tục do chỉ tiếp trấu một lần duy nhất.
Đại tá Nguyễn Văn Thu