Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng hơn 60 km về phía Tây, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (gọi tắt là Khu di tích K9) được nhiều người biết đến là nơi Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương làm việc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ; nơi Bác tiếp bạn bè quốc tế; đồng thời đây cũng là nơi bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt. Tại đây, có một công trình “đặc biệt” - ngôi nhà 2 tầng do Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần) thiết kế và xây dựng phỏng theo kiểu nhà sàn, được Nhà nước cho phép gắn biển “Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến 1969”.
Một ngày tháng 5/1957, Bác đến thăm và kiểm tra Trung đoàn 36 – Sư đoàn 308 diễn tập bên dòng sông Đà. Buổi trưa, Bác nghỉ và ăn cơm trên một sườn đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau. Nhận thấy đây là nơi sơn thuỷ hữu tình, gần dân mà xa đường quốc lộ, địa thế lại hiểm trở, có thể sang Phú Thọ, ngược lên Việt Bắc, có thể xuôi theo dòng sông Đà xuống Đồng bằng Bắc Bộ... Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Bác ngỏ ý với các đồng chí cùng đi nên xây dựng ở đây một nhà làm việc của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Sáng ngày 23/02/1958, Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Uỷ viên Trung ương Đảng và một số đồng chí khác của Phủ Chủ tịch và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi này, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp 4 trong khu vực Đá Chông. Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ đã rõ ràng, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần) được lệnh tiếp tục lên xây dựng khu căn cứ và được đặt tên “Khu căn cứ K9” (gọi tắt là K9).
 |
Lễ gắn biển "Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến năm 1969" (Ảnh: Vũ Đình Bình) |
 |
Đoàn cán bộ Cục Doanh trại và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm trước ngôi nhà (Ảnh Hồng Quang) |
Công trình được chuẩn bị từ tháng 6, đến tháng 9/1959 tiến hành khởi công xây dựng. Theo gợi ý của Bác, Khu căn cứ chia làm 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Ngoài ra còn hệ thống công sự, hầm ngầm và một số hạng mục công trình phụ trợ khác. Quá trình thi công, Bác đã nhiều lần lên thăm, kiểm tra và chỉ đạo. Điều đặc biệt là việc xây dựng ngôi nhà và đào hầm phòng tránh máy bay, đều được Bác trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc và chọn hướng. Sau gần 6 tháng thi công, ngôi nhà 2 tầng đã hoàn thành (diện tích 275 m2), Bác đi máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành. Tầng 1 của ngôi nhà gồm 2 phòng lớn, bố trí làm phòng họp chính của Trung ương và phòng nghỉ của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác. Hệ thống cửa tầng 1 được thiết kế đẩy ra vào, cơ động trên ray, tạo sự thông thoáng, bệ cửa có thể dùng làm ghế ngồi khi số lượng người dự họp đông hoặc lúc nghỉ giải lao. Tầng 2 có 4 phòng, gồm 2 phòng khách, phòng họp và phòng Bác nghỉ. Tại phòng khách, năm 1961, Bác đã tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) và năm 1962 đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Ti - tốp. Cạnh 2 phòng khách là phòng họp nhỏ, tại đây đã diễn ra rất nhiều cuộc họp quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn bạc và quyết định những việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sau này. Phòng Bác nghỉ được bố trí những đồ dùng giản dị, quen thuộc như bộ bàn ghế làm việc bằng gỗ, chiếc giường đơn với đệm cỏ nằm do đồng bào tỉnh Sơn La tặng...
Từ “nhà sàn” xuống đồi, từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội (có 81 bậc). Con đường được làm cùng thời điểm với ngôi nhà 2 tầng, khi thấy anh em định lát gạch, Bác góp ý đổ sỏi đi cho mát chân và còn giúp cảnh giới, có thể phát hiện ra người lạ xâm nhập quanh ngôi nhà. Chính trên con đường này, trong những ngày sức khỏe có phần yếu đi, Bác vẫn kiên trì tập luyện đi lại để thực hiện ý định vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt như hằng ấp ủ. Ngay khi xây dựng ngôi nhà sàn và làm đường, Bác đề nghị giữ lại toàn bộ cây cối và cho xây thêm hòn non bộ phía trước mặt để thả cá, thả rùa, tạo nên một điểm nhấn, tô điểm cho khuôn viên của khu căn cứ địa. Nhiều lần tiếp khách tại đây, Bác đều giới thiệu và chụp ảnh lưu niệm với các vị khách quý bên hòn non bộ này. Cho đến hôm nay, những người chịu trách nhiệm quản lý, bảo tồn Khu di tích vẫn làm tròn ý nguyện của Bác, đó là gìn giữ một không gian xanh, giao hòa với thiên nhiên. Các công trình đều được ẩn mình trong một không gian xanh của những tán rừng nguyên sinh.
* *
Khi Bác qua đời cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Đề phòng địch tiếp tục leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm” phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác do Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng. Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ (1969 – 1975), thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại K9 ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, thi hài Bác được di chuyển về Lăng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Đầu năm 1995, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý K9) đã chính thức tổ chức đón tiếp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương trong cả nước đến dâng hương tưởng niệm Bác và tham quan. Tính đến nay đã có trên 30.000 đoàn khách, với hơn 1 triệu lượt người đến thăm. Đây cũng là nơi nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên, kết nạp đoàn viên, sinh hoạt văn hóa, trồng cây lưu niệm... Mới đây, thể theo nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một ngày không xa, Nhà tưởng niệm sẽ hoàn thành, đón đồng bào, chiến sĩ cả nước, bè bạn quốc tế về thăm tưởng nhớ Bác, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
NGUYỄN HỒNG QUANG