Sputnik ngày 28-2 đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp của Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Tôn Hiểu Ba nêu rõ, tình hình an ninh chiến lược quốc tế hiện đang đứng trước các thách thức mới. Những cường quốc quân sự hàng đầu liên tục rút khỏi các hiệp ước nhằm "đạt được ưu thế tuyệt đối cho riêng mình", làm phương hại nghiêm trọng đến sự ổn định và cân bằng chiến lược.

Reuters dẫn lời ông Tôn Hiểu Ba kêu gọi các quốc gia hạt nhân thực hiện "trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên" về giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông Tôn Hiểu Ba đề nghị Hội nghị Giải trừ quân bị xác định lộ trình để thiết lập một công cụ pháp lý nhằm bảo vệ các quốc gia phi hạt nhân trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân. "Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên đàm phán và ký kết một hiệp ước về việc không sử dụng trước vũ khí hạt nhân hoặc đưa ra một tuyên bố chính trị về vấn đề này", ông Tôn Hiểu Ba nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi đầu tháng 2-2024. Ảnh: UN News 

Trong khi đó, theo Jiji Press, phát biểu với báo giới ngày 27-2, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko tuyên bố, Tokyo sẽ triển khai "các nỗ lực thực chất" hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới từng phải hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong chiến tranh. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9-2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết đóng góp 3 tỷ yên (tương đương khoảng 20 triệu USD) cho nỗ lực đạt mục tiêu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tạp chí The National Interest cho biết, thế giới đã từng chứng kiến hơn 2.000 vụ thử hạt nhân kể từ vụ thử đầu tiên của Mỹ vào năm 1945. Gần 85% trong số các vụ thử đó là do Mỹ và Liên Xô thực hiện, trong khi các cường quốc hạt nhân khác như Anh, Pháp và Trung Quốc cũng thực hiện một số lượng đáng kể các vụ thử. Tuy rằng số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới hiện đã giảm nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, song triển vọng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vẫn còn xa vời.

Tạp chí World Population Review ước tính, thế giới hiện có khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân, với khoảng 90% trong số này thuộc sở hữu của Nga và Mỹ. Nga hiện sở hữu tổng số 6.257 đầu đạn hạt nhân với 1.458 trong số này đang được triển khai. Mỹ có 5.550 đầu đạn hạt nhân với 1.389 trong số này đang được triển khai. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. Kho vũ khí hạt nhân hiện nay được cho là hoàn toàn có khả năng phá hủy toàn bộ thế giới. Trong khi đó, quan hệ giữa các quốc gia hạt nhân căng thẳng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Đó là chưa kể nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước vô trách nhiệm. 

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định, kỷ nguyên giải trừ vũ khí hạt nhân “dường như sắp đến hồi kết” và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi đầu tháng 2 năm nay, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo việc một số quốc gia đang tìm cách tăng cường kho vũ khí hủy diệt hàng loạt-một động thái "chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn toàn cầu và căng thẳng tại các khu vực".

"Sau nhiều thập niên giải trừ vũ khí hạt nhân, các quốc gia đang chạy đua để khiến vũ khí hạt nhân của họ hoạt động nhanh hơn, khó phát hiện hơn và chính xác hơn. Các loại vũ khí này đang được phát triển tràn lan để rồi loài người lại tự hủy diệt chính mình", RT dẫn lời ông Guterres.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.