Các nhà lãnh đạo đã đưa ra cam kết sau lễ tưởng niệm hai nạn nhân nói trên, đồng thời lên án đây là một vụ tấn công khủng bố. Vụ nổ súng đã phơi bày rõ hơn những khó khăn dai dẳng của EU trong việc quản lý người tị nạn và di cư, trong đó có những lỗ hổng an ninh và thất bại trong việc hồi hương những người bị cho là không có quyền ở lại liên minh gồm 27 quốc gia thành viên này.

Vụ xả súng tại Brussels (Bỉ): Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng ở thủ đô Brussels, Bỉ tối 16-10-2023.  

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết khu vực biên giới mở Schengen của châu Âu sẽ không thể tồn tại trừ khi các biên giới ngoài của EU được bảo vệ tốt hơn trước nạn nhập cư trái phép. Theo ông Kristersson, nếu không thể bảo vệ biên giới chung của mình, châu Âu sẽ không thể duy trì được việc đi lại tự do trong liên minh.

Về phần mình, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng EU cũng cần có một hệ thống hiệu quả hơn để hồi hương những người nhập cư trái phép. Ông cũng nhấn mạnh đây là vấn đề EU cần giải quyết và cần có sự phối hợp trong hành động. 

Theo đài truyền hình công cộng STV của Thụy Điển, thủ phạm gây ra vụ xả súng ở Brussels là một người đàn ông 45 tuổi, đã đến đảo Lampedusa của Italy từ năm 2011, sau đó sống tại Thụy Điển trước khi tuyên bố tị nạn ở Bỉ. Hồ sơ xin tị nạn của người đàn ông này bị bác bỏ vào năm 2020 và người này được lệnh phải rời Bỉ. Theo luật, người này có 30 ngày để rời Bỉ trên cơ sở tự nguyện, tuy nhiên lệnh trên đã không được thực hiện dù cảnh sát biết về nhân vật này. STV dẫn phán quyết của tòa án cho biết kẻ này từng bị phạt tù ở Thụy Điển vì tội danh liên quan đến ma túy.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh hiệp ước di trú mới của EU sẽ giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai bằng cách cho phép trục xuất nhanh hơn những người nước ngoài bị coi là mối đe dọa về an ninh. 

EU lâu nay vẫn cho rằng tỷ lệ hồi hương người di cư thấp là do các nước xuất phát của người di cư không sẵn lòng tiếp nhận trở lại, trong đó có Tunisia. EU cho biết các quốc gia thành viên của liên minh này đã đưa ra 420.000 quyết định hồi hương trong năm 2022, nhưng chỉ có 77.000 quyết định được thực thi.

Hiệp ước di trú mới đã được hầu hết các quốc gia thành viên EU nhất trí và giờ đang được tiếp tục đàm phán với Nghị viện châu Âu (EP). Các quan chức EU hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, ngày 19-10, các bộ trưởng phụ trách vấn đề di cư cùng lãnh đạo các quốc gia EU sẽ thảo luận tại Brussels về các kế hoạch liên quan vấn đề này.

Tin, ảnh: TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.