Việc 4 sinh viên Pháp mới đây bị Tòa án hình sự Paris ra phán quyết định tội vì hành vi kích động hận thù chủng tộc trên mạng cho thấy quyết tâm của Chính phủ Pháp trong việc xử lý nghiêm túc các trường hợp gây thù hận trên không gian mạng. 4 sinh viên này đã đăng dòng trạng thái có nội dung mỉa mai, chống người châu Á liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ hai vào ngày 29-10-2020. Chưa từng có tiền án, tiền sự, những thanh niên từ 19 đến 24 tuổi này phải học giáo dục công dân trong hai ngày và nộp tổng tiền phạt 1.000 euro. Trước đó, trong một vụ việc tương tự, 5 người đàn ông Pháp cũng bị xét xử vì đăng những dòng tweet mang tính đe dọa, thù hận về người gốc Á. Những dòng tweet này xuất hiện trên Twitter ngay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tái áp đặt lệnh phong tỏa nói trên.

Tuần hành kêu gọi chấm dứt tình trạng thù hận người gốc Á tại New York (Mỹ) ngày 21-3-2021. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Cùng với việc đại dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, Pháp đang phải đối mặt với nạn kỳ thị người gốc Á gia tăng. Các nhà vận động chiến dịch chống kỳ thị người gốc Á ở Pháp đã cảnh báo đại dịch đã khiến cho nạn phân biệt đối xử nhằm vào người gốc Á càng trở nên tồi tệ. Người gốc Á bị kỳ thị không chỉ trên không gian mạng mà cả ở ngoài thực tế. Một số người gốc Á tham gia nghiên cứu cho biết, họ bị kỳ thị theo nhiều hình thức khác nhau như xa lánh trên các phương tiện công cộng, xúc phạm bằng lời nói, thậm chí hành hung. Nhiều người tham gia nghiên cứu nói họ do dự khi đeo khẩu trang vì sợ trở thành mục tiêu bị tấn công. Một số khác tránh đeo khẩu trang để tránh rủi ro, còn lại vẫn mang khẩu trang để phòng, chống dịch nhưng cảm thấy không thoải mái. Một phụ nữ tham gia nghiên cứu đã xác nhận mình bị tấn công bằng những lời nói khó nghe. Khi ra đường, một số người đã hét từ “corona” vào mặt cô. Còn những đứa trẻ gốc Á ở Pháp cũng bị bắt nạt khi bị chúng bạn gọi là “virus”. Còn nhớ vào đêm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa lần 2, một người gốc Á bị đánh trật khớp vai bởi những kẻ kỳ thị chủng tộc ở Pháp.

Theo anh Sun-Lay Tan, người phát ngôn của “Security for All”-tổ chức đại diện cho hơn 40 hiệp hội người gốc Á ở Pháp cho biết, trong năm 2019, cứ hai ngày lại có một vụ phạm tội thù hận nhằm vào người châu Á, chỉ tính riêng ở khu vực Paris. Nhiều người thậm chí còn công khai bày tỏ họ không thích người gốc Á. Là người gốc Á, Sun-Lay Tan kể lần đầu tiên bị kỳ thị khi đi tàu điện ngầm. Sau khi anh ngồi xuống cạnh một người đàn ông, ông này đã lập tức đổi sang ngồi chỗ khác với vẻ mặt khó chịu. Anh chia sẻ: “Cha mẹ chúng tôi đã bị phân biệt chủng tộc nhưng họ chấp nhận vì muốn hòa nhập với đất nước. Chúng tôi là thế hệ thứ hai của những người nhập cư ở Pháp, trách nhiệm của chúng tôi là lên tiếng để nước Pháp tốt đẹp hơn cho thế hệ tiếp theo”.

Sun-Lay Tan đang cùng những người chung chí hướng tích cực tham gia hành động để ngăn chặn nạn kỳ thị chủng tộc ở Pháp. Cụ thể là thúc đẩy sự hiểu biết nhiều hơn về các nền văn hóa ở châu Á bằng cách ủng hộ việc đưa các món ăn châu Á vào nhà ăn của nhiều trường học ở Pháp. Theo anh, nhà ăn là nơi trẻ em khám phá các nền văn hóa khác nhau thông qua ẩm thực. Sun-Lay Tan cho biết, lần đầu tiên mình được nếm món diêm mạch hầm, món ăn được làm từ bột báng ở vùng Bắc Phi tại một trường học ở Pháp. Anh cho biết muốn thấy các nội dung đa văn hóa trong sách lịch sử ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ở giai đoạn cao trào của tình trạng kỳ thị người gốc Á, cũng là khi đại dịch tràn lan ở châu Âu, các nhà hoạt động ở Pháp đã phát động các chiến dịch để nâng cao nhận thức về tình trạng gia tăng bạo lực chống người gốc Á. Trên các mạng xã hội ở Pháp, dòng hashtag “#JeNeSuisPasUnVirus-Tôi không phải virus” được nhắc đến rất nhiều nhằm kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt đối xử vì SARS-CoV-2. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tại Pháp vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao nhận thức của người dân để ngăn chặn nạn kỳ thị chủng tộc liên quan tới đại dịch.

Tuy nhiên, kỳ thị người gốc Á đang giống như một loại “virus” lây lan ra nhiều quốc gia kể từ khi đại dịch Covid-19 trở thành mối đe dọa toàn cầu. Khi đại dịch bùng phát, báo cáo về các tội ác liên quan tới kỳ thị người Đông Á và Đông Nam Á gia tăng ở các nước phương Tây. Riêng tại Mỹ, tội ác chống người gốc Á tại 16 trong số các quận và thành phố lớn nhất của nước này đã tăng 164% kể từ thời điểm này năm ngoái. Từ Anh, Đức, Tây Ban Nha cho tới Australia đều có các báo cáo về tội ác liên quan đến các hành vi thù hận nhằm vào người Đông Á và Đông Nam Á.

Vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người châu Á, gốc Á cũng từng xảy ra vào năm 2003, khi dịch SARS bùng phát. Nhiều chính trị gia đã lên tiếng cảnh báo rằng đây là hành vi không chấp nhận được, nhất là trong một thế giới văn minh. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, trong các tình huống như dịch bệnh, rất dễ có các quan điểm mang tính phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đối với những người vô tội chỉ vì họ đến từ một nước nào đó. Việc tránh những quan điểm đó là rất quan trọng, theo người đứng đầu LHQ.

HẠNH NGUYÊN