QĐND Online - Hội nghị giữa kỳ của Công ước cấm bom đạn chùm (CCM), diễn ra tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ từ ngày 7 đến 9-4 với sự tham gia của đại diện hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm của các nước liên quan đến các nội dung của CCM như nỗ lực phổ biến Công ước trên toàn cầu, rà phá bom đạn chùm, giáo dục nâng cao nhận thức, hợp tác, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom đạn chùm cũng như các khó khăn mà các nước gặp phải trong quá trình thực hiện Công ước.

Ông Bùi Hoàng Long (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại Hội nghị.

Tới nay, đã có 113 nước ký kết trong đó 84 nước đã phê chuẩn Công ước này.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Long, Bí thư thứ nhất Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ cho biết, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để xem xét khả năng tham gia CCM.

Các đại biểu nghe phát biểu của đoàn Việt Nam.

“Việt Nam sẽ tham gia CCM khi đủ điều kiện cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam,” ông Long khẳng định.

Việt Nam hoan nghênh mục tiêu nhân đạo của CCM trong đó có việc thiết lập cơ chế hợp tác, hỗ trợ quốc tế để giải quyết hậu quả của việc sử dụng bom đạn chùm. Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng một số điểm trong Công ước có thể gây khó khăn cho quá trình triển khai. Ví dụ, CCM đặt trách nhiệm giải quyết hậu quả của việc sử dụng bom đạn chùm trước tiên lên các quốc gia bị ảnh hưởng trong khi chưa có các cơ chế hợp tác và hỗ trợ quốc tế cụ thể. Theo đó, Việt Nam cho rằng các nước đã sử dụng, sản xuất và xuất khẩu bom đạn chùm cần quan tâm, có trách nhiệm hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng khắc phục hậu quả.

Ông Long nêu rõ, là một trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề của bom đạn nói chung và bom đạn chùm nói riêng. Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và tích cực triển khai nhiều biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Tháng 4-2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) và thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia để giám sát việc triển khai Chương trình này.

Việt Nam cũng nhiều lần cử đoàn tham dự và có đóng góp cho các hoạt động quốc tế trong khuôn khổ Công ước cấm bom đạn chùm.

Tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Hà Nội. Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Chương trình 504, công bố Quyết định thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Hội và Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn.

Trong bài phát biểu của mình, ông Long đã cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế có cam kết hỗ trợ đối với Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hơn nữa nhằm tăng cường hiệu quả huy động các nguồn lực và điều phối các hoạt động khắc phục bom mìn.

Tại Hội nghị, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó thường trực Tiểu ban tuyên truyền Ban chỉ đạo 504, đã tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm truyền thông trong khắc phục hậu quả bom mìn với một số đại diện các tổ chức quốc tế. Trung tướng Lê Phúc Nguyên bày tỏ mong muốn tiếp thu kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu tác động của bom, mìn, vật liệu nổ, qua đó cũng giúp cộng đồng quốc tế tăng thêm hiểu biết về vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ủng hộ thiết thực và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam hơn nữa.

Tin, ảnh: NGỌC HƯNG (từ Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ)