Nhà báo kỳ cựu người Indonesia Veeramalla Anjaiah cho rằng, Việt Nam đóng vai trò xây dựng, củng cố và thống nhất ASEAN, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong mọi hoạt động của ASEAN. Việt Nam đã đoàn kết với ASEAN trong mọi cơ hội và đóng góp vào thành công của cả hiệp hội.

Nhà nghiên cứu  cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) này nhắc lại rằng, là nước Đông Dương đầu tiên gia nhập ASEAN, Việt Nam đã vận động kết nạp Lào, Myanmar và Campuchia, làm cầu nối giữa các quốc gia lục địa và quần đảo để hình thành một tổ chức gồm 10 thành viên như hiện nay.

leftcenterrightdel
Việt Nam có nhiều đóng góp cho một ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định. Ảnh: Getty 

Theo ông Anjaiah, Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc xác định các mục tiêu và định hướng phát triển, cùng với việc hoạch định các quyết định lớn trong ASEAN, trong đó có Tầm nhìn ASEAN 2020, Kế hoạch Hành động Hà Nội, Kế hoạch Hành động Vientiane, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II năm 2003, Hiến chương ASEAN năm 2007, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN và Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI).

An ninh của Việt Nam đã được tích hợp với toàn Đông Nam Á. Việt Nam cũng dẫn đầu các nỗ lực trong ASEAN để bảo đảm an ninh khu vực; ký kết Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995 và là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Việt Nam cũng giúp ASEAN hợp tác với các đối tác ngoài khu vực gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).

Cựu biên tập viên cao cấp của tờ Jakarta Post đánh giá, trong suốt những năm qua, Việt Nam đã hợp tác hiệu quả với ASEAN để ứng phó với các mối đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) năm 2019, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với Trung Quốc năm 2002 và đang cùng ASEAN đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam từng đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020, góp phần tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, ASEAN - EU từ năm 2012 đến năm 2015, ASEAN - Ấn Độ từ năm 2015 đến năm 2018, và ASEAN - Nhật Bản từ năm 2015 đến năm 2018. Ngoài ra, Việt Nam còn đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2006 và năm 2017, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực giữa các nước ASEAN với các nền ninh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo ông Anjaiah, ASEAN là một bộ phận không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tư cách thành viên ASEAN giúp nâng cao tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.