Những người biểu tình đã ủng hộ lời kêu gọi của nhiều tổ chức công đoàn và xã hội cánh tả, bày tỏ thái độ đứng về phía Tổng thống Dilma Rousseff người đang bị Quốc hội đình chỉ chức vụ. Chỉ riêng tại thành phố Sao Paulo, hơn 100.000 người đã tham dự cuộc tuần hành, trong khi nhiều công dân Brazil sinh sống tại Mỹ và châu Âu cũng hưởng ứng. Tham gia biểu tình tại Sao Paulo, cựu Tổng thống Lula da Silva tố cáo những gì đang diễn ra tại Brazil là một cuộc đảo chính và khẳng định khả năng đại diện cho đảng Lao động (PT) tái cử vào năm 2018. Thủ lĩnh Phong trào những người lao động không có đất (MTST) Guilherme Boulos nhấn mạnh các cuộc tuần hành sẽ còn tiếp tục diễn ra.

Người biểu tình kêu gọi ông Temer từ chức. Ảnh: EPA. 

Đây là lần đầu tiên chính phủ lâm thời đối diện với sự phản đối của các cử tri Brazil kể từ khi lên cầm quyền ngày 12-5 sau khi Thượng viện bỏ phiếu đình chỉ bà Rousseff trong vòng 180 ngày để xem xét bãi nhiệm chính thức người đứng đầu nhà nước do những cáo buộc liên quan tới việc che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm bầu cử 2014.

Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi cầm quyền, đã có 2 bộ trưởng trong thành phần nội các của Tổng thống lâm thời Temer phải từ chức bởi có bằng chứng cho thấy những chính trị gia này dính líu tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Ngày 4-6 vừa qua, Viện Kiểm sát liên bang Brazil cũng đã ra lệnh bắt 4 nhân vật chính trị cấp cao gồm Chủ tịch Thượng viện Eduardo Cunha, Chủ tịch Hạ viện Renan Calheiros, cùng cựu Tổng thống José Sarney và cựu Bộ trưởng Kế hoạch Romero Jucá để điều tra do bị tình nghi nhận hàng triệu USD tiền hối lộ trong vụ Petrobras. Bốn người này đều là thành viên đảng Phong trào dân chủ (PMDB) của ông Temer.

Các kết quả thăm dò gần đây cho thấy, ít nhất 25% người dân Brazil phản đối chính phủ của ông Temer do không có uy tín và đa phần cử tri ủng hộ tổng tuyển cử trước hạn. Ngày 10-6, Tổng thống Rousseff cũng yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân về việc tổ chức tổng tuyển cử trước hạn.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng thời nước này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng với một loạt vấn đề bao gồm tăng trưởng âm, thâm hụt ngân sách cao, sức tiêu dùng sụt giảm, đồng Real mất giá, lạm phát ở mức 2 con số.

TTXVN