Tân Hoa xã ngày 26-12 cho biết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Âm Hòa Tuấn khẳng định, Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức trong nỗ lực phổ biến khoa học nên việc sửa đổi luật là cần thiết. Nỗ lực này đang bị cản trở bởi tầm quan trọng của khoa học chưa được công nhận đầy đủ, thiếu sáng kiến và nguồn cung cấp các sản phẩm, cũng như dịch vụ truyền thông khoa học chất lượng không bảo đảm. Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện thúc đẩy những đổi mới trong phổ biến khoa học, qua đó hỗ trợ nâng cao tiến bộ xã hội cùng với đổi mới công nghệ.

Một du khách trải nghiệm chơi dù bằng công nghệ thực tế ảo (VR) tại triển lãm về hàng không vũ trụ ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 23-4-2024. Ảnh: Tân Hoa Xã 

Việc sửa đổi luật diễn ra vào đúng thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực trở thành quốc gia dẫn đầu về thế giới khoa học và công nghệ vào năm 2035. Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phát động một loạt hoạt động phổ biến khoa học trên phạm vi toàn quốc vào năm 2003. Kể từ thời điểm này, các chiến dịch tương tự được tổ chức 22 lần. Chỉ tính riêng tháng 9-2024, hơn 200.000 hoạt động đã được tổ chức tại Trung Quốc. 

Việc sửa đổi luật đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của những nỗ lực phổ biến khoa học tại Trung Quốc, đồng thời cho thấy nước này nhìn nhận vấn đề này có tầm quan trọng như công cuộc đổi mới công nghệ.

Để thể chế hóa cách tiếp cận này, luật sửa đổi chỉ định tháng 9 là tháng phổ biến khoa học quốc gia hằng năm. Lần sửa đổi này sẽ giúp lồng ghép các hoạt động phổ biến khoa học vào đời sống thường ngày của người dân, cũng như vào chương trình giảng dạy ở trường học vì tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới.

Luật sửa đổi bổ sung điểm mới về hoạt động phổ biến khoa học, khuyến khích các đơn vị đổi mới sáng tạo tham gia phổ biến công nghệ và kiến thức mới, đồng thời nêu rõ nhu cầu tăng cường rà soát, giám sát và đánh giá các nỗ lực phổ biến.

Luật sửa đổi cũng đề cập khái niệm “nhân sự phổ biến khoa học”, trong đó chú trọng bồi dưỡng những người phổ biến khoa học chuyên nghiệp thông qua việc cải thiện các cơ chế đánh giá và khuyến khích. Hiện nay, Trung Quốc có gần 2 triệu người phổ biến khoa học và 4,56 triệu tình nguyện viên khoa học công nghệ đã đăng ký.

PHƯƠNG ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.