Dự luật nâng trần nợ công nói trên được Hạ viện Mỹ thông qua với 221 phiếu thuận và 209 phiếu chống, trong khi tỷ lệ này tại Thượng viện là 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống. Sau khi được lưỡng viện Quốc hội thông qua, dự luật sẽ sớm được trình lên Tổng thống Joe Biden để ký ban hành. 

Reuters nhấn mạnh, dự luật này được thông qua cũng chấm dứt nhiều tháng đối đầu giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề ngân sách. Theo lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, việc nâng trần nợ công lên mức 31.400 tỷ USD sẽ đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết của chính phủ tới năm 2023.

Đây là số tiền mà Chính phủ Mỹ được vay để thực hiện nghĩa vụ đối với lĩnh vực công, bao gồm an sinh xã hội, phúc lợi y tế, trả nợ và lãi suất cùng các khoản thanh toán khác. “Vấn đề này liên quan đến việc xử lý số nợ do cả hai đảng cùng tích tụ, vì thế, tôi rất vui khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cùng bắt tay để thúc đẩy quá trình nhằm giải quyết mức trần nợ công”, ông Schumer cho biết.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer chia sẻ thông tin với báo giới, ngày 14-12. Ảnh: Getty Images 

Dự luật nâng mức trần nợ công “vượt ải” lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng đồng nghĩa với Chính phủ Mỹ sẽ đủ ngân sách hoạt động xuyên suốt cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11-2022, vốn được coi là sự kiện quyết định đảng nào sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ.

Suốt nhiều tháng qua, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại cả hai viện Quốc hội đã “làm khó” Đảng Dân chủ về việc nâng mức trần nợ công, đồng thời bác bỏ kế hoạch tăng chi tiêu và chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Như giải thích của nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa, sở dĩ phe Dân chủ muốn thông qua dự luật này là để tạo không gian tài chính cho "Kế hoạch xây lại tốt hơn" mà Tổng thống Joe Biden ấp ủ. Đáp lại, các nhân vật trong Đảng Dân chủ lại lấy lý do tổng nợ của Mỹ đã tăng lên đáng kể từ thời cựu Tổng thống Donald Trump do các chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu để chống lại đại dịch Covid-19.

Đến ngày 14-10 vừa qua, ông Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công thêm 480 tỷ USD, lên mức 28.900 tỷ USD, qua đó phần nào giảm áp lực vỡ nợ liên bang. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ từ nay cho đến Giáng sinh, Đảng Dân chủ có kịp hoàn thành mục tiêu thông qua dự luật "Kế hoạch xây lại tốt hơn" trị giá 1.750 tỷ USD để đầu tư cho mạng lưới an sinh xã hội và chống biến đổi khí hậu hay không.

Trong khi đó, tình hình đại dịch Covid-19 ở Mỹ tiếp tục chứng kiến một dấu mốc buồn khi số ca tử vong đã vượt ngưỡng 800.000 ca. Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.

Theo số liệu mà Đại học Johns Hopkins đưa ra ngày 14-12, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ chiếm hơn 18% số ca nhiễm trên toàn cầu. Đáng chú ý, số trẻ em nhiễm Covid-19 ở Mỹ cũng ngày càng tăng cao. Chỉ riêng trong tuần qua, đã có hơn 164.000 trẻ em tại Mỹ dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng gần 24% so với tuần trước đó.

Ngoài ra, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, mới đây nhận định biến thể Omicron có thể sẽ trở thành biến thể chủ đạo tại nước này trong giai đoạn sắp tới.   

ANH VŨ