Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tại Nhà Trắng ngày 30-7, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẵn sàng gặp bất kỳ lãnh đạo nào của Iran và ông tin vào các cuộc gặp gỡ, đặc biệt là khi có nguy cơ chiến tranh. Ông Donald Trump cho biết cuộc gặp sẽ được tổ chức nếu lãnh đạo của Iran đồng ý. Điều đáng chú ý là người đứng đầu Nhà Trắng mặc dù vẫn chỉ trích Thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông cũng khẳng định sẽ không có điều kiện tiên quyết nào được đặt ra để gặp gỡ với lãnh đạo Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo với Thủ tướng Italy tại Nhà Trắng ngày 30-7.

Ông Donald Trump bày tỏ đồng ý với Thủ tướng Italy rằng chế độ tại Iran “không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân” và khuyến khích các nước “gây áp lực để buộc Iran chấm dứt mọi hoạt động nguy hiểm của họ”.

Việc Tổng thống Donald Trump thường đưa ra những phát biểu mâu thuẫn nhau vốn đã trở nên quen thuộc. Nhưng người ta vẫn trông đợi vào những hành động đột phá đằng sau những tuyên bố gây “sốc” của người đứng đầu nước Mỹ. Lần này, tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Iran “bất cứ lúc nào” trong bối cảnh hai bên chỉ mấy ngày trước còn có những màn “khẩu chiến” gay gắt, thậm chí đe dọa chiến tranh, giúp mở ra triển vọng đàm phán giữa hai quốc gia để hóa giải bất đồng liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran. Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây tại Singapore là cơ sở để có thể tin vào khả năng trong tương lai cũng sẽ có một cuộc gặp tương tự giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran.

Tuyên bố có phần dịu giọng của ông Donald Trump vào thời điểm này giúp xua đi bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Iran giữa lúc có những tin đồn về khả năng Mỹ sắp tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Ít ngày trước đây, hãng tin ABC của Australia dẫn lời các quan chức cao cấp trong chính quyền nước này cho biết khả năng Mỹ đang chuẩn bị không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, sớm nhất có lẽ vào tháng tới. Nguồn tin còn tiết lộ Australia cũng được cho là sẽ trợ giúp để xác định các mục tiêu không kích tại Iran. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ phủ nhận những thông tin này.

Đáng chú ý nhất trong số những tin tức liên quan tới các hành động chống Iran của Mỹ ở thời điểm nhạy cảm hiện nay là thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc thành lập một liên minh Arab kiểu NATO để đối phó với Iran. Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và một số nước Arab cho biết, Washington đang lặng lẽ vận động thành lập Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA)-một liên minh an ninh và chính trị mới giữa 6 nước Arab vùng Vịnh và Ai Cập, Jordan nhằm đối phó với sự bành trướng của Iran ở khu vực. Đáng chú ý là Nhà Trắng đã xác nhận việc xúc tiến thành lập liên minh với các đối tác khu vực từ vài tháng trước. Các nguồn tin cho biết, Nhà Trắng muốn nhìn thấy sự hợp tác sâu hơn giữa các nước về phòng thủ tên lửa, huấn luyện quân sự, chống khủng bố cũng như các lĩnh vực hợp tác khác về kinh tế và ngoại giao khu vực. Đáng chú ý, có nguồn tin nói rằng một trong số mục tiêu của liên minh có thể là lập lá chắn tên lửa khu vực và huấn luyện tăng cường năng lực của quân đội các nước. Trên thực tế, vấn đề lập lá chắn tên lửa khu vực đã được Mỹ và các nước vùng Vịnh thảo luận nhiều năm nay nhưng chưa đạt được kết quả nào.

Nếu Liên minh “NATO Arab” trở thành hiện thực chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào lửa, khiến mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Mỹ và Iran càng căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Về phía Iran, ông Hamid Aboutalebi, cố vấn cấp cao của Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố, nếu Tổng thống Mỹ muốn đàm phán, Washington cần phải tham gia lại thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các cường quốc năm 2015. Phát biểu với báo giới, ông Hamid Aboutalebi nêu rõ: “Những người tin tưởng đối thoại là phương thức để giải quyết tranh cãi trong xã hội văn minh nên tuân thủ phương pháp này”. 

Không lâu trước những phát biểu của ông Donald Trump, Iran đã loại bỏ khả năng đối thoại với Mỹ. Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nhấn mạnh, không thể đối thoại hay tiếp xúc với Chính phủ Mỹ hiện nay do Mỹ chứng tỏ họ không đáng tin cậy.

Cho đến nay, chưa có Tổng thống Mỹ nào gặp lãnh đạo của Iran kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran một năm sau khi xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã “phá băng” trong quan hệ hai nước khi tiến hành điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Iran đáp lại tuyên bố sẵn sàng tham gia gặp gỡ của Tổng thống Donald Trump.

MAI NGUYÊN