Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, MI5 hầu như không biết đến có một mạng lưới của tình báo Liên Xô hoạt động tại Anh. Phải đến năm 1961, MI5 mới phát hiện ra nhóm mang mật danh “mạng lưới Portland” gồm 5 điệp viên Liên Xô hoạt động tại Anh trong những năm 1950 và 1960. Điều đáng nói ở chỗ, lẽ ra mạng lưới này có thể bị lật tẩy từ 4 năm trước đó nếu MI5 chú ý lắng nghe lời cảnh báo từ vợ của một trong 5 điệp viên đó. Việc phát hiện muộn mạng lưới này phần nào giúp Liên Xô tiếp cận được nhiều thông tin bí mật cho phép họ thúc đẩy việc phát triển tàu ngầm hạt nhân. Một sự tiến bộ vượt trội về công nghệ được một số nhà sử học mô tả là bước ngoặt trong Chiến tranh Lạnh ở Vương quốc Anh.

Tổng hành dinh MI5 tại London (Anh). Ảnh: REUTERS,

Phá án

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1959 khi một điệp viên “ba mang” làm việc cho cả Liên Xô, Ba Lan và Mỹ thông báo cho Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) rằng Ba Lan đã tuyển mộ một điệp viên trong hải quân Anh. CIA đã chuyển nguồn tin này cho MI5. Cơ quan tình báo Anh nhanh chóng xác định danh tính điệp viên nhị trùng trên. Đó là Harry Houghton, nhân viên văn phòng thuộc Trung tâm phát hiện tàu ngầm (UDE) ở Portland-cảng biển ở miền Nam nước Anh. Theo dõi các mối quan hệ của Harry Houghton, MI5 nhận ra rằng, anh ta thường xuyên liên lạc với cô Ethel Gee, cũng là nhân viên của UDE. “Harry Houthton và Ethel Gee có chung mối liên hệ với Gordon Lonsdale-người bị tình nghi là điệp viên của Nga hoặc Ba Lan”, tài liệu giải mật tiết lộ. Gordon Lonsdale được cho là một doanh nhân người Canada. Houghton, Gee và Lonsdale là ba thành viên đầu tiên của “Mạng lưới Portland”.

Tháng 11-1960, MI5 xác định được hai nhân vật cuối cùng của mạng lưới Portland là cặp vợ chồng Peter và Helen Kroger.

Vài tháng sau đó, Ethel Gee bị MI5 bắt quả tang khi đang chuyển giao tài liệu mật cho Lonsdale. Sau khi Gee và Lonsdale bị bắt vào tháng 1-1961, Houghton và vợ chồng nhà Kroger cũng bị bắt. Tại nhà của vợ chồng Kroger, MI5 tìm thấy 7 cuốn hộ chiếu, nhiều tài liệu tuyệt mật và máy phát điện tín. Vụ bắt giữ này giúp MI5 chứng minh được vợ chồng Kroger đã hợp tác với Lonsdale và thông qua anh ta để gửi tài liệu về Moscow. Năm 1961, Lonsdale bị kết án 25 năm tù, vợ chồng nhà Kroger chịu án mỗi người 20 năm tù, trong khi Houghton và Gee mỗi người 15 năm tù. Tất cả những người này không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai

Câu chuyện về “mạng lưới Portland” có thể dừng lại ở đó nhưng những tài liệu giải mật ngày 24-9 vừa qua tiết lộ rằng MI5 đã “giả điếc” trước một số lời cảnh báo. Vợ của điệp viên Harry Houghton từng cảnh báo MI5 ba lần về hành động bí ẩn của chồng mình. Đầu năm 1955, bà Houghton khẳng định, chồng bà đã “tiết lộ thông tin bí mật cho những người lẽ ra không được phép nhận”. Bà Houghton nói thêm rằng, bà phát hiện chồng mình sở hữu những tài liệu “tuyệt mật”, cất giấu máy ảnh và phim dưới cầu thang và chồng bà thường xuyên trở về từ London với số tiền lớn. Bà này thậm chí còn khẳng định, ông Houghton đã cố gắng đẩy bà xuống vách núi vì “bà đã biết quá nhiều”.

Tuy nhiên, những lời phàn nàn của bà Houghton đã bị các nhân viên MI5 bỏ ngoài tai. MI5 cho rằng, bà Houghton là “người vợ ghen tuông và bất mãn”. Đôi vợ chồng này sau đó ly hôn. “Nếu như những lời phàn nàn của bà Houghton được xem xét một cách nghiêm túc, Liên Xô sẽ không bao giờ nắm giữ được các hệ thống tàu ngầm của Anh. Các cơ quan tình báo Anh lẽ ra phải để tâm đến các cảnh báo của bà Houghton và tiến hành điều tra vào năm 1956”, tài liệu viết.

Các tài liệu giải mật còn tiết lộ, trong các cuộc phỏng vấn trong tù, điệp viên Ethel Gee đã tỏ ra “không cảm thấy hối hận hay nuối tiếc” và “cho rằng mình vô dụng đối với chính quyền Anh”. Cô Gee còn viết thư cho người yêu, trong đó nói rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cô sẽ chấp hành án phạt của MI5 hơn là ngồi nói chuyện với họ.

Ngoài ra, tài liệu của MI5 cũng hé lộ, Lonsdale không hài lòng với Harry Houghton, người mà anh ta coi là “một kẻ ngốc bất tài, thậm chí không biết sử dụng máy ảnh”. MI5 còn đưa ra nhận xét Peter Kroger là người đa cảm, còn bà Helen Kroger là một “kẻ cuồng tín”.

BÌNH NGUYÊN