Hội nghị đã thông qua Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028, với 16 lĩnh vực cụ thể như phát triển bền vững, hợp tác hàng hải, xúc tiến thương mại, kết nối, giáo dục, an ninh lương thực, trao quyền cho phụ nữ...

Hoan nghênh kết quả hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN-Mỹ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần ưu tiên thúc đẩy kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo là các lĩnh vực trọng tâm, động lực dẫn dắt cho hợp tác ASEAN-Mỹ. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp bảo đảm tương lai bền vững cho 1 tỷ người dân hai bên thông qua hợp tác y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Bộ trưởng đề nghị hai bên dành thêm quan tâm, hỗ trợ hiệu quả cho phát triển tiểu vùng, góp phần tăng trưởng bao trùm, công bằng và bền vững ở khu vực.

 Quang cảnh Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30. Ảnh: VIỆT CHUNG

* Chiều 14-7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các nước dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30. Các nước nhất trí sẽ duy trì hợp tác trong các lĩnh vực an ninh biển, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, hợp tác quốc phòng, gìn giữ hòa bình,... và thông qua danh mục các hoạt động năm 2023-2024. Việt Nam sẽ đồng chủ trì một số hoạt động của ARF về thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố hoá học, sinh học, hạt nhân và phóng xạ. Dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo Việt Nam sẽ đồng chủ trì Nhóm giữa kỳ ARF về Cứu trợ thảm họa nhiệm kỳ 2024-2026 cùng Bangladesh và Sri Lanka.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 30 năm thành lập ARF do Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Canada đồng bảo trợ. Tuyên bố tái khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết thúc đẩy đối thoại xây dựng, tăng cường hợp tác, bảo đảm sự tham gia chủ động, đầy đủ và đóng góp của các nước cho sự phát triển của ARF.

* Kết thúc chuỗi hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao đã thông qua và ghi nhận gần 40 văn kiện các loại, trong đó Thông cáo chung Hội nghị AMM-56 phản ánh toàn diện các nội dung và kết quả thảo luận.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

ĐOÀN CA