Theo Reuters, ngày 12-2, Thủ tướng Scholz tuyên bố, các doanh nghiệp quốc phòng Đức có thể tin tưởng vào việc Chính phủ tăng chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Scholz cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU) cần phải chuyển sang sản xuất vũ khí trên quy mô lớn vì cuộc xung đột tại Ukraine đã cho thấy các nhà sản xuất của EU gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về đạn dược.

Thủ tướng Olaf Scholz (hàng đầu, thứ nhất, từ trái sang) thăm một địa điểm ở miền Trung nước Đức-nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí của tập đoàn Rheinmetall. Ảnh: Reuters 

"Không chỉ Mỹ mà tất cả các nước châu Âu đều cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine. Những cam kết đưa ra cho đến nay là chưa đủ. Chỉ sức mạnh của Đức thôi là chưa đủ", Thủ tướng Scholz phát biểu khi tới thăm một địa điểm ở miền Trung nước Đức-nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí của tập đoàn Rheinmetall.

Trong Chiến lược An ninh quốc gia được công bố hồi giữa tháng 6-2023, Chính phủ của Thủ tướng Scholz đã khẳng định cam kết của Đức với NATO và EU là "không lay chuyển". Theo đó, Đức sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng để đạt mục tiêu mà NATO đề ra, đồng thời tăng cường đầu tư bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, năng lực an ninh mạng... nhằm bảo đảm "một châu Âu thống nhất trong hòa bình và tự do".

Hồi năm 2006, các nước thành viên NATO đã nhất trí về mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự. Tới năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO nhất trí rằng những nước thành viên nào đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng thì sẽ "tiếp tục thực hiện", trong khi các nước thành viên khác sẽ "ngừng mọi đợt cắt giảm" và "đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong vòng một thập niên". Thế nhưng, theo Reuters, đến năm 2022, chỉ có 7 nước thành viên NATO, đạt mục tiêu này.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.