Sputnik ngày 8-9 đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nghị sĩ Omer Celik cho rằng EU không ngăn cản các chương trình phát sóng có nội dung chống Thổ Nhĩ Kỳ vốn chứa đựng "toàn sự dối trá". Hiện nay ở châu Âu có rất nhiều chương trình phát sóng với nội dung chống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, EU lại tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn các chương trình tuyên truyền của Nga. EU cho rằng các biện pháp của họ chống lại các chương trình phát sóng của Nga đều "nằm trong khuôn khổ tự do ngôn luận". "EU đang thực hiện tiêu chuẩn kép", nghị sĩ Omer Celik tuyên bố.

Nghị sĩ Omer Celik cáo buộc EU áp dụng "tiêu chuẩn kép". Ảnh: Anadolu Agency

Theo Sputnik, trong những năm gần đây, hoạt động của các hãng truyền thông Nga tại phương Tây ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hồi năm 2016, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết kêu gọi hành động chống lại các hãng truyền thông Nga, xem các hãng tin Sputnik và RT là "các mối đe dọa chính". Nhiều chính trị gia phương Tây, trong đó có các nghị sĩ Mỹ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cáo buộc Sputnik và RT can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ và Pháp, song không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.

Giới chức Nga tuyên bố các cáo buộc của phương Tây là vô căn cứ. Gần đây, EU đã áp đặt lệnh cấm với 4 hãng truyền thông hàng đầu của Nga là Rossiyskaya Gazeta, Voice of Europe, RIA Novosti và Izvestiya. Nga đã chỉ trích quyết định của EU, gọi đó là "động cơ chính trị". Để trả đũa, Nga đã chặn truy cập 81 trang truyền thông phương Tây từ 25 quốc gia EU, cáo buộc họ "đăng tải một cách có hệ thống thông tin không chính xác" về chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Hãng thông tấn Pháp AFP, Der Spiegel của Đức, El Pais của Tây Ban Nha… nằm trong số các cơ quan truyền thông phương Tây bị chặn tại Nga.

VĨNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.