Trước đó, theo Reuters, cảnh sát Pháp đã bắt giữ CEO Durov tại sân bay Paris-Le Bourget ở ngoại ô thủ đô Paris. Hiện Bộ Nội vụ Pháp chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến sự việc trên song theo các nguồn tin giấu tên ở Pháp và Nga cho biết, cảnh sát Pháp phát hiện người này có tên trong danh sách hành khách của một chuyến bay tư nhân từ Azerbaijan tới Pháp và tiến hành bắt theo lệnh bắt giữ được ban hành ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay.
Cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên của Pháp (OFMIN) đã phát lệnh bắt với Durov liên quan đến cáo buộc Telegram không có đủ người kiểm duyệt và thiếu hợp tác với chính quyền.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, Telegram phát đi thông tin khẳng định nền tảng này luôn tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số. Vì thế, Telegram cho rằng, “thật vô lý” nếu chủ sở hữu mạng xã hội này phải chịu trách nhiệm khi nền tảng bị lạm dụng.
 |
Nhà sáng lập và CEO Pavel Durov của mạng xã hội Telegram. Ảnh: TechCrunch
|
Cũng trong bài viết trên X, Telegram nhấn mạnh việc kiểm duyệt của nền tảng “nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện”, đồng thời cho biết hy vọng sớm có biện pháp cụ thể để giải quyết vụ việc.
“Gần một tỷ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram như một phương tiện giao tiếp và là nguồn thông tin quan trọng”, bài viết nêu rõ.
Sau khi Durov bị bắt, tỷ phú Elon Musk - chủ sở hữu của X cũng liên tục đăng bài phản đối và kêu gọi trả tự do cho CEO Telegram.
Reuters cho hay, lâu nay, tính năng mã hóa của Telegram được cho là tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra không bị ngăn chặn. Điều này khiến Durov có thể bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố. Nếu bị kết tội, Durov có thể nhận án phạt lên đến 20 năm tù.
Các nguồn tin cho biết, thời gian bắt giữ ban đầu để thẩm vấn Durov có thể kéo dài tối đa 96 giờ. Sau đó, thẩm phán sẽ quyết định trả tự do cho bị cáo hoặc truy tố và giam giữ thêm hay không.
Telegram hiện thu hút khoảng 950 triệu người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên những năm gần đây, nền tảng này đối mặt với chỉ trích vì cho phép lan truyền thông tin sai lệch, nội dung mang tư tưởng cực đoan và các hành vi phạm pháp. Thêm vào đó, quan điểm của Durov về quyền riêng tư và việc Telegram từ chối kiểm duyệt nội dung đã gây nhiều tranh cãi. Đầu năm nay, Durov từng nhấn mạnh cam kết của mình trong việc giữ Telegram “trung lập”.
Theo RT, Telegram, có trụ sở chính tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã chỉ định một đại diện pháp lý người Bỉ vào đầu năm nay để quản lý việc tuân thủ luật pháp của EU và cũng đã tuân thủ các lệnh trừng phạt chống Nga của khối này bằng cách chặn quyền truy cập vào các hãng tin của Nga.
VIỆT TRUNG (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.