Cũng không có gì khó hiểu khi chỉ trong thời gian ngắn, một định chế lớn uy tín như IMF lại buộc phải điều chỉnh dự báo của mình. Còn nhớ hồi đầu năm nay, IMF đã nhận định “triển vọng sẽ tươi sáng hơn, các thị trường lạc quan dù thách thức còn phía trước”. Thế nhưng tới tháng 7 vừa qua, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bùng nổ, với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được kỳ vọng đạt mức gần 4%. Ảnh minh họa

Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vẫn luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại. Trong mắt của một người xuất thân là thương nhân như ông Donald Trump, Mỹ đã bị đối xử bất công trong thương mại quốc tế. Tổng thống Donald Trump muốn viết lại “luật chơi” của kinh tế thế giới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ nhằm phục vụ mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết”. Và để “đòi lại” những lợi ích kinh tế thương mại mà ông cho rằng nước mình bị mất bởi quan hệ thương mại không công bằng, vị chủ nhân Nhà Trắng đã không ngần ngại rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), liên tiếp áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn, hay dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu cơ quan này “không có sự điều chỉnh”. 

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang chiếm ưu thế lớn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nên không có lý do gì để Bắc Kinh quay lưng lại với hệ thống thương mại đa phương hiện nay. Đó là chưa kể thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc trong trao đổi thương mại với Mỹ thời gian qua luôn là “cái gai” trong mắt Tổng thống Donald Trump.

Với sự “lệch pha” nhau như vậy, việc quan hệ thương mại Mỹ-Trung bị phủ bóng bởi những màn “ăn miếng trả miếng” là khó tránh khỏi. Cũng cần phải lưu ý rằng, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung suy cho cùng chỉ là một phần của “tảng băng” cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Lâu nay, Washington và Bắc Kinh vẫn xem nhau là đối thủ và thương mại chỉ là một mặt trận trong cuộc cạnh tranh đó mà thôi. Trên thực tế, tuy rằng hai bên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán thương mại, song cho đến nay, kết quả mang lại vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Điều đáng nói là mặc dù tự tin sở hữu những “vũ khí” lợi hại để phản đòn, thế nhưng cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều bắt đầu ngấm đòn. Doanh thu từ các tập đoàn lớn như Ford, McDonald's, Starbucks cho tới những người nông dân Mỹ giảm mạnh do hàng hóa bị tẩy chay tại thị trường đông dân nhất hành tinh. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phải cam kết trả 4,7 tỷ USD nhằm hỗ trợ nông dân chịu thiệt hại do tranh chấp thương mại với các đối tác lớn, trong đó có Trung Quốc. Trong khi đó, cả đồng nội tệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc đều sụt giảm liên tiếp. Do tác động của căng thẳng thương mại hiện nay, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc sẽ chậm hơn, ở mức lần lượt đạt 2,9% và 6,6% trong năm nay và giảm chỉ còn 2,5% và 6,2% trong năm 2019.

Nếu như chỉ riêng kinh tế Mỹ và Trung Quốc bị thiệt hại đã là một nhẽ, đằng này, “sức nóng” từ căng thẳng thương mại giữa hai “gã khổng lồ” còn lan sang cả khu vực và thế giới. Trong năm nay, những màn “ăn miếng trả miếng” của Mỹ và Trung Quốc đã khiến đồng nội tệ tại nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Myanmar liên tục rớt giá. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%. Chính IMF đã thừa nhận trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của mình rằng căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu khi “những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động”. Vì lẽ đó, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm sau của hàng loạt các quốc gia từ Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cho đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nói như vậy để thấy rằng tranh chấp thương mại không phải là “trò chơi có tổng bằng 0” để tìm ra kẻ thắng, người thua. Thay vào đó, tất cả đều thua cuộc. Thế giới sẽ trở thành một nơi “nghèo nàn và nguy hiểm hơn” như cảnh báo của IMF, nếu lãnh đạo các nước không hợp tác để tập trung xây dựng các chính sách phù hợp, trong đó bảo đảm tăng trưởng thương mại tiếp tục là một yếu tố then chốt để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và như lời của Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde thì “lợi ích sẽ có trong tầm tay nếu chúng ta biết hợp tác và tập trung tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu”.

HOÀNG VŨ