“Mỹ đã thông báo với Tổng thư ký Liên hợp quốc, với tư cách là bên lưu chiểu, về việc nước này rút khỏi Thỏa thuận Paris vào ngày 27-1. Theo Điều 28, Khoản 2 của Thỏa thuận, việc Washington rút lui sẽ có hiệu lực vào ngày 27-1-2026”, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết.

Người phát ngôn Stephane Dujarric tái khẳng định cam kết của Liên hợp quốc đối với Thỏa thuận Paris và ủng hộ mọi nỗ lực hiệu quả nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, sau lễ nhậm chức ngày 20-1. Ảnh: Sky News 

Trước đó, ngay trong ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20-1, Nhà Trắng thông báo vị nguyên thủ này sẽ một lần nữa rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris. Quyết định này đặt Mỹ bên cạnh Iran, Libya và Yemen như những quốc gia duy nhất trên thế giới đứng ngoài thỏa thuận ký năm 2015 này.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Vào năm 2017, khi ông Trump đang giữ nhiệm kỳ đầu tiên, ông cũng có hành động tương tự.

Cùng với việc rút khỏi Thỏa thuận Paris, ông Trump cũng ký các sắc lệnh hành pháp nhằm bãi bỏ nhiều biện pháp nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tiếp tục ủng hộ các công ty dầu mỏ lớn. Mỹ hiện là quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới và sản lượng dầu của quốc gia này đã đạt mức kỷ lục dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden. Những yếu tố trên có thể gây cản trở cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden đã thúc đẩy.

The Conversation đánh giá, một mặt, động thái của ông Trump được xem là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực hành động vì khí hậu toàn cầu. Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mặt khác, đây có thể xem là một bước mở đầu cho những nỗ lực mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn nhằm chống biến đổi khí hậu. Theo The Conversation, ông Trump từng nhiều lần không ủng hộ các chính sách khí hậu. Do đó, việc ông tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris phần nào cũng tạo điều kiện cho quá trình đàm phán các thỏa thuận khí hậu đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thế giới hiện nay.

THÁI HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.