Litva là quốc gia thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra cam kết này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi liên minh quân sự lớn nhất hành tinh tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP/năm thay vì mục tiêu chi ít nhất 2% GDP/năm như hiện nay.

Tổng thống Litva Gitanas Nausėda (bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovilė Šakalienė. Ảnh: LRT

Thông tin trên được công bố sau khi Hội đồng Quốc phòng Nhà nước của Litva nhất trí về kế hoạch chi tiêu giai đoạn 2026-2030.

Chi tiêu quốc phòng của Litva hiện ở mức khoảng 3% GDP. Việc đạt mục tiêu chi 5% GDP/năm cho quốc phòng sẽ đưa Litva trở thành quốc gia thành viên NATO chi nhiều nhất cho lĩnh vực này, xét về tỷ lệ phần trăm.

Tổng thống Litva Gitanas Nausėda tuyên bố, quyết định của Hội đồng Quốc phòng Nhà nước là "mang tính lịch sử" và việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giúp Vilnius tăng cường tiềm lực quốc phòng.

"An ninh của chúng ta cũng được bảo đảm thông qua tư cách thành viên NATO nhưng sẽ chỉ hiệu quả nếu chúng ta sẵn sàng tự bảo vệ chính mình", Tổng thống Gitanas Nausėda khẳng định.

Viết trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Litva Kęstutis Budrys kêu gọi các nước đồng minh trong NATO "tiếp bước" Litva bởi "thời đại của các chiến lược "ngồi chờ" thụ động đã không còn".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovilė Šakalienė tuyên bố thông điệp mà Litva đưa ra qua cam kết chi 5-6% GDP/năm cho quốc phòng trong vòng 5 năm tới là "rất rõ ràng". Theo đó, Chính phủ Litva sẵn sàng bảo đảm an ninh của người dân "bằng mọi cách".

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12-2024, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đã bày tỏ ủng hộ NATO tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng thay cho mục tiêu chi ít nhất 2% GDP/năm như hiện nay.

NATO lần đầu tiên đề ra mục tiêu chi 2% GDP/năm cho quốc phòng hồi năm 2006 trong bối cảnh tổng chi tiêu quốc phòng lúc bấy giờ của các quốc gia thành viên NATO cộng lại (trừ Mỹ) chưa bằng 1/2 của Washington. Tình trạng mất cân đối này được NATO thừa nhận là đã diễn ra liên tục trong suốt lịch sử của liên minh, nhất là khi chi tiêu quốc phòng của Mỹ gia tăng đáng kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Tuy nhiên, tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn khi nhiều quốc gia thành viên NATO cắt giảm chi tiêu quốc phòng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Tới năm 2014 - thời điểm chỉ có 3 quốc gia thành viên NATO đạt mục tiêu chi 2% GDP/năm cho quốc phòng, các nhà lãnh đạo của khối nhất trí rằng những quốc gia thành viên nào đã đạt mục tiêu thì sẽ tiếp tục thực hiện, trong khi các quốc gia thành viên còn lại đặt mục tiêu chi 2% GDP/năm cho quốc phòng "trong vòng một thập niên". Gần một thập niên sau đó, đến năm 2023, các nhà lãnh đạo NATO đưa ra "cam kết lâu dài" dành ít nhất 2% GDP/năm cho quốc phòng.

Hiện nay, có 24 trong tổng số 32 quốc gia thành viên NATO chi ít nhất 2% GDP/năm cho quốc phòng, trong đó 3 quốc gia dẫn đầu là Ba Lan (hơn 4% GDP/năm), Estonia (3,43% GDP/năm), Mỹ (3,38% GDP/năm).

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Getty Images 

Hồi đầu năm nay, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho rằng, mức chi 2% GDP/năm cho quốc phòng là không đủ để NATO đảm bảo an ninh trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Ông Mark Rutte tuyên bố các quốc gia thành viên NATO có thể phải chi 3,6-3,7% GDP/năm cho quốc phòng, để đáp ứng các mục tiêu mới của liên minh về năng lực quân sự, "trừ khi làm tốt hơn việc mua sắm chung các loại vũ khí, khí tài cũng như đổi mới sáng tạo".

Nhất trí cần tăng thêm chi tiêu quốc phòng, nhưng nhiều quốc gia thành viên NATO lại không ủng hộ con số 5% GDP/năm. Giới phân tích cũng xem việc chi 5% GDP/năm cho quốc phòng là "bất khả thi về mặt chính trị và kinh tế" đối với phần lớn trong số 32 quốc gia thành viên NATO.

Việc thảo luận đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ là chủ đề "nóng" của Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 tới tại La Haye, Hà Lan.

"Hội nghị thượng đỉnh NATO tại La Haye có thể mang tính lịch sử… Không quan trọng thỏa thuận hoặc quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại La Haye là gì. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, mức chi 2% GDP/năm cho quốc phòng là không đủ", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nêu rõ.

HOÀNG VŨ (theo Breaking Defense, AP, Newsweek, Politico, AFP, Business Insider, Reuters, LRT, NATO)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.