Theo Reuters, nghị quyết lần này sẽ trao cho IAEA nhiệm vụ ban hành cái gọi là “báo cáo toàn diện” về các hoạt động hạt nhân của Iran ngoài các báo cáo hằng quý thông thường. Cụ thể, báo cáo mới sẽ mô tả chi tiết hơn và tập trung hơn vào các vấn đề như Tehran vẫn tiếp tục không giải thích về “dấu vết uranium” được tìm thấy tại các địa điểm không được khai báo.

Mục đích của động thái này là buộc Iran phải quay lại bàn đàm phán để nhất trí các hạn chế mới đối với các hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt. 

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đang thể hiện nỗ lực cá nhân để kêu gọi sự hợp tác hơn nữa từ Chính phủ Iran. Ảnh: Reuters

Reuters đánh giá, nếu được thông qua, những nghị quyết như vậy có nguy cơ gây thêm căng thẳng ngoại giao với Iran. Nước này đã trả đũa những nghị quyết trước đó và những lời chỉ trích khác tại Hội đồng Thống đốc IAEA, gồm 35 thành viên, bằng cách tăng cường chương trình hạt nhân và cấm cửa các thanh sát viên từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc này.

Về phần mình, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tỏ ra không ủng hộ một báo cáo toàn diện bởi ông cho biết cơ quan đang tham gia vào hoạt động ngoại giao nhằm có được lời giải thích trực tiếp hơn từ Tehran về “dấu vết uranium” và thuyết phục nước này mở rộng quyền giám sát của IAEA đối với các hoạt động hạt nhân của mình.

Ngày 13-11, ông Grossi bắt đầu chuyến công tác đến Tehran để hội đàm với các quan chức Iran và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian kể từ khi ông Pezeshkian nhậm chức vào tháng 7 - sự kiện mà người đứng đầu IAEA hy vọng sẽ giúp phá vỡ bế tắc lâu nay giữa hai bên.

TÙNG QUÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.