Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra một gói các đề xuất lập pháp mới nhằm khởi xướng việc thành lập Liên minh Y tế châu Âu. Các đề xuất mới được kỳ vọng giúp tăng cường quản lý khủng hoảng khi đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe xuyên biên giới, bao gồm cải cách thể chế trong lĩnh vực y tế. Các đề xuất này cũng nhằm đưa châu Âu xích lại gần hơn trong việc chung tay bảo vệ sức khỏe người dân của các nước thành viên, trong đó bao gồm việc công bố chiến lược dược phẩm cho châu Âu. Sang năm 2021, EC còn dự kiến đưa ra một kế hoạch chống ung thư của châu Âu.  

Chuyên gia Jolanta Szymaska, điều phối viên tại Viện các vấn đề Quốc tế Ba Lan cho rằng, đề xuất trên của EC mở đường cho khả năng công bố tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng trong một giai đoạn nhất định ở cấp Liên minh châu Âu (EU) để áp dụng các biện pháp trong toàn liên minh. Việc công bố này sẽ được thực hiện bởi EC với sự hỗ trợ của một ủy ban cố vấn đặc biệt về các trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng, trong đó có các chuyên gia do EC lựa chọn.

Đại dịch Covid-19 phần nào giúp châu Âu xích lại gần nhau trong nỗ lực ứng phó thách thức chung. Ảnh: The Week

Theo đề xuất nói trên, hệ thống sẵn sàng và ứng phó với khủng hoảng y tế sẽ được cải thiện. EC sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp toàn châu Âu trong khi các nước thành viên sẽ đệ trình các kế hoạch của từng quốc gia. Nhiệm vụ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng được mở rộng để trở thành đầu mối của mạng lưới giám sát dịch tễ châu Âu. Cơ quan này sẽ điều phối một nền tảng trực tuyến nhằm theo theo dõi các mối đe dọa y tế dựa trên các tiêu chuẩn và khái niệm chung, đồng thời xây dựng một mạng lưới các phòng thí nghiệm của EU để tư vấn về các mầm bệnh mới. ECDC cũng sẽ tham gia vào việc đánh giá các kế hoạch chuẩn bị ứng phó và kiểm tra năng lực của các hệ thống y tế cấp quốc gia.

Loạt động thái nói trên liên quan tới những phản ứng được đánh giá là thất bại của châu Âu và sự thiếu phối hợp trong các vấn đề y tế vào giai đoạn đầu tiên của đại dịch Covid-19, mặt khác cũng nhằm phản ứng với những thách thức y tế dài hạn của EU. Một động lực quan trọng nữa là sự ủng hộ cao của công chúng châu Âu đối với việc gia tăng can thiệp của EU trong giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế, thế bế tắc trong cuộc đàm phán về ngân sách nhiều năm của EU được khai thông tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 12. Việc thành lập một liên minh y tế như trên không làm ảnh hưởng đến năng lực của các quốc gia thành viên nhưng lại tạo động lực để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực y tế ở cấp độ EU. Về lâu dài, điều này có thể mở đường cho việc điều chỉnh năng lực của EU và các quốc gia thành viên trong chính sách y tế.

Theo chuyên gia Szymaska, những lý do trên đã và đang thúc đẩy EU nỗ lực mở rộng các hoạt động chung để bảo vệ sức khỏe người dân cả ở nội bộ châu Âu lẫn quy mô toàn cầu. Cùng với kế hoạch thành lập Liên minh Y tế châu Âu, EU cũng đang thúc đẩy việc ký kết hiệp ước chống đại dịch toàn cầu. Đầu tháng này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi ký kết một hiệp ước quốc tế về các đại dịch để rút ra bài học từ đại dịch Covid-19 hiện nay và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Ông Michel cho rằng, một trong số các bài học tích cực rút ra từ đại dịch Covid-19 chính là sự hợp tác chưa từng có trên quy mô toàn cầu trong nghiên cứu vaccine, giúp rút ngắn thời gian bào chế vaccine xuống còn chưa đầy 1 năm kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc, nhanh hơn nhiều so với khung thời gian thường để bào chế vaccine từ trước đến nay.

Trong bối cảnh EU đang đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng liên quan tới nhiều vấn đề như chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự chia rẽ giữa các nước thành viên, lời kêu gọi thiết lập một liên minh y tế mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, củng cố niềm tin với người dân các nước thành viên, tái khẳng định một châu Âu đoàn kết, trật tự. Đây sẽ là một sự bổ sung quan trọng cho mục tiêu thúc đẩy ký kết hiệp ước chống đại dịch toàn cầu, nhằm chứng tỏ một EU có tinh thần mạnh mẽ trong phòng, chống đại dịch, đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ...

HẠNH NGUYÊN