Giu-ma-đai A-rát, cộng sự đắc lực của Abu Sayyaf, bị cảnh sát quân đội Phi-líp-pin bắt giữ hôm 18-2. Ảnh: AP

Quân đội Phi-líp-pin tuyên bố vừa tiêu diệt sáu phiến quân Abu Sayyaf vào sáng sớm ngày 21-2, trong đó có cả các thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố có mối liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda này.

AP dẫn lời Trung tướng Ben-gia-min Đô-lô-phi-nô (Benjamin Dolorfino) cho biết, một biệt đội 30 lính thủy đánh bộ đã tấn công một căn cứ của Abu Sayyaf ở ngoại ô thị trấn Maimbung trên đảo Giô-lô. Vụ tấn công được thực hiện sau khi quân đội nhận được tin hai lãnh đạo của Abu Sayyaf là Um-bra Gium-đai (Umbra Jumdail) và An-ba-đê Pa-rát (Albader Parad) có mặt tại đó. Mỹ treo giải thưởng 100.000USD để bắt hoặc tiêu diệt Um-bra Gium-đai và 15.000USD đối với An-ba-đê Pa-rát. Pa-rát là kẻ bị cáo buộc đã bắt cóc ba nhân viên tổ chức Chữ thập đỏ tại Giô-lô hồi đầu năm ngoái. Trong cuộc đụng độ này, ba lính thủy đánh bộ Phi-líp-pin đã bị thương. Quân đội cũng đã thu hồi được nhiều loại vũ khí hạng nặng tại hang ổ của phiến quân.

Theo AFP, trước đó, hôm 18-2, chính quyền Phi-líp-pin đã bắt giữ một thành viên Abu Sayyaf khác là Giu-ma-đai A-rát (Jumadail Arad) khi hắn đang đi mua vũ khí cho Abu Sayyaf. Tình báo Hải quân Phi-líp-pin đã theo dõi đường đi nước bước của A-rát suốt hai tháng trước khi hắn bị bắt. A-rát không phải là một lãnh đạo của Abu Sayyaf, nhưng có quan hệ mật thiết và là cộng sự đắc lực của thủ lĩnh nhóm khủng bố và bắt cóc này.  Ngoài ra, A-rát được coi là có liên hệ với các tổ chức Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda và Jemaah Islamiyah (JI). Theo nhà chức trách Phi-líp-pin, A-rát đã giữ vai trò quan trọng trong vụ bắt cóc 3 người Mỹ và 17 người Phi-líp-pin năm 2001 tại miền Nam Phi-líp-pin. Hai người Mỹ và một người Phi-líp-pin đã thiệt mạng trong vụ bắt cóc và chiến dịch giải cứu nạn nhân sau đó. Trong một thông báo ngày 20-2, phát ngôn viên Đại sứ Mỹ tại Ma-ni-la đã hoan nghênh việc Chính phủ Phi-líp-pin vừa bắt được Giu-ma-đai A-rát.

Nhóm Hồi giáo vũ trang Abu Sayyaf có khoảng 400 tay súng tập trung ở đảo Giô-lô thuộc tỉnh Xu-lu, đảo Ba-xi-lan kế cận và bán đảo Dam-boan-ga thuộc khu vực Min-đa-nao từ lâu đã là một nhóm với các hoạt động cực đoan nhất ở miền Nam Phi-líp-pin. Nhóm này đã thực hiện rất nhiều vụ đánh bom, chặt đầu, bắt cóc người Phi-líp-pin cũng như người nước ngoài, trong đó có cả người Mỹ. Giới tình báo Phi-líp-pin  tin rằng Abu Sayyaf nhận hỗ trợ tài chính từ nhóm khủng bố Al-Qaeda. Chính quyền Mỹ cũng liệt Abu Sayyaf vào danh sách các nhóm khủng bố quốc tế.

Binh sĩ Phi-líp-pin chiếm một căn cứ của nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf. Ảnh: Roi-tơ

Trước đây, nhiều cuộc tấn công lớn nhằm xóa sổ nhóm Abu Sayyaf đều thất bại. Năm 2006, chiến dịch “Tối hậu thư Oplan” được Mỹ hậu thuẫn kéo dài một tháng đã tiêu diệt được thủ lĩnh Kha-đa-phi Gian-gia-la-ni (Khadaffy Janjalani) và một số tên chỉ huy khác của Abu Sayyaf, nhưng sau đó lại có những thủ lĩnh mới chỉ huy nhóm này.

Theo các nhà phân tích, diệt tận gốc Abu Sayyaf không phải là việc dễ dàng. Những người sống trong khu vực hoạt động của nhóm thường xuyên ủng hộ các chiến binh Abu Sayyaf, và hầu như không có sự cách biệt quá lớn giữa họ và các phần tử cực đoan, hay các nhóm ít cực đoan hơn như MNLF và MILF (Mặt trận giải phóng Hồi giáo Mô-rô). Vấn đề cốt lõi là khu vực hoạt động của Abu Sayyaf có lịch sử lâu dài là vùng đất của cướp bóc, trộm cắp và cũng là "cái nôi" sản sinh, cung cấp những tân binh chiến đấu do sự nghèo nàn, thất nghiệp cũng như hận thù vì sự chảy tràn của dòng người Cơ đốc giáo vào địa hạt mà người Hồi giáo chiếm ưu thế. Chính phủ Phi-líp-pin đã thừa nhận tầm quan trọng của việc cải tổ kinh tế khu vực này khi phát ngôn viên của Tổng thống A-rô-giô gần đây tuyên bố "xác định loại trừ đói nghèo ở đây chính là loại trừ tận gốc nơi tuyển mộ tân binh của các phần tử cực đoan". Chính vì thế, theo các nhà phân tích, cần hơn cả không phải là những chiến dịch tìm và diệt phần tử cực đoan, mà là một quá trình cải tổ kinh tế, xây dựng hòa bình trên mảnh đất miền Nam Phi-líp-pin. Chỉ điều đó mới có thể đảm bảo các nhóm trong thế yếu hiện nay như Abu Sayyaf không thể tuyển tân binh mới và tái lập lực lượng, phục hồi sức mạnh cũ của mình.

NGỌC HÀ