Trang mạng Macau Business ngày 29-4 đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Sejourne đã kêu gọi "chuẩn hóa lớn hơn đối với các hệ thống vũ khí ở cấp độ EU". Nhà ngoại giao Pháp cho rằng, điều này không có nghĩa là sẽ dẫn đến "những tiêu chuẩn cạnh tranh" trong NATO mà thay vào đó sẽ "củng cố trụ cột châu Âu" của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. "Sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu không phải là một sự thay thế, mà là một sự bổ sung đối với NATO... Ngoài NATO, chúng ta phải có một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thứ hai", Ngoại trưởng Sejourne nhấn mạnh.

Mặc dù lưu ý rằng Mỹ, vốn được xem là "anh cả" trong NATO, sẽ vẫn là một đối tác mạnh mẽ của EU về quốc phòng, song Ngoại trưởng Sejourne cho rằng khối cần tăng cường "chủ quyền và sự tự chủ chiến lược" của riêng mình, bởi EU "đang tạo ra vấn đề cho tương lai khi trở nên phụ thuộc".

leftcenterrightdel

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris, ngày 25-4-2024. Ảnh: Reuters 

AFP đánh giá phát biểu của Ngoại trưởng Sejourne tương tự với thông điệp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris hồi tuần trước. Tổng thống Macron kêu gọi EU xây dựng năng lực quốc phòng "đáng tin cậy" trong bối cảnh địa chính trị mới. Reuters cho biết, Tổng thống Macron tuyên bố năng lực quốc phòng "đáng tin cậy" của EU cần vượt ra ngoài "chiếc ô an ninh" của NATO. Tân Hoa xã dẫn lời ông chủ Điện Élysée nêu rõ, răn đe hạt nhân là "thành tố quan trọng hàng đầu" trong năng lực quốc phòng nói trên.

Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, EU không được trở thành chư hầu của Mỹ; EU "không được trang bị để đối mặt với rủi ro" và luôn có nguy cơ EU "có thể bị xóa sổ". "Châu Âu phải biết cách bảo vệ các lợi ích của mình khi có sự hỗ trợ của đồng minh cũng như ngay cả khi phải tự mình làm việc đó nếu cần. Châu Âu không phải là một ưu tiên địa chính trị với Mỹ trong nhiều năm qua và trong nhiều thập niên tới cho dù mối quan hệ đồng minh giữa hai bên có mạnh đến đâu đi chăng nữa", Euronews dẫn lời Tổng thống Macron.

Theo Reuters, Tổng thống Macron cho rằng, EU cần tăng cường năng lực an ninh mạng, thúc đẩy hợp tác quốc phòng với nước Anh hậu Brexit (Anh rời EU), thành lập một cơ sở chung đào tạo đội ngũ chỉ huy cấp cao của quân đội, ưu tiên mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật được sản xuất trong khối. Tổng thống Macron sẽ thảo luận với các đối tác trong EU "trong những tháng tới" về các đề xuất được đưa ra trong bài phát biểu.

Reuters cho biết, Tổng thống Macron lâu nay đã kêu gọi EU phải có "sự tự chủ chiến lược". Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU lại tin rằng hiện "không có phương án thay thế đáng tin cậy nào" đối với "chiếc ô an ninh" của NATO. Mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản ứng tích cực với bài phát biểu "có những ý tưởng hay" để làm cho EU "trở nên mạnh mẽ" của Tổng thống Macron, AFP lưu ý tới một khác biệt nổi bật giữa Berlin và Paris hiện nay liên quan tới năng lực quốc phòng của khối.

Đó là Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI) do Đức khởi xướng từ năm 2022. ESSI nhằm mục đích tăng cường năng lực phòng không của châu Âu thông qua việc các quốc gia châu Âu mua sắm chung các hệ thống phòng không như Patriot của Mỹ, IRIS-T của Đức hay Arrow 3 của Israel. Thế nhưng, Pháp lại từ chối tham gia ESSI vì cho rằng ESSI dẫn đến "sự lệ thuộc mới vào các quốc gia và doanh nghiệp sản xuất những hệ thống phòng không"; khẳng định điều quan trọng là EU cần xây dựng cho riêng mình một nền công nghiệp phòng không và chỉ mua sắm khí tài giữa các nước EU với nhau.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.