Trong thư ngỏ đăng trên trang Legacies of War, 17 cựu Đại sứ Mỹ từng công tác tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng một lệnh miễn trừ hoặc đánh giá nhanh và tích cực đối với các chương trình này, bao gồm các hoạt động rà phá bom mìn toàn cầu, hỗ trợ nạn nhân và giáo dục về rủi ro bom mìn, là rất cần thiết để các chuyên gia rà phá bom mìn có thể quay trở lại làm việc.

Các cựu Đại sứ Mỹ cho biết việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh giá lại các chương trình trên là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc thời gian đình chỉ kéo dài tới 3 tháng có nguy cơ gây ra sự thụt lùi nghiêm trọng hoặc thậm chí khiến các chương trình này “biến mất” hoàn toàn.

Một đội dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) thực hiện nhiệm vụ tại Quảng Bình. Ảnh: qdnd.vn 

Bên cạnh đó, các cựu Đại sứ Mỹ đánh giá công tác viện trợ cho rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ (UXO) thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam, Lào và Campuchia - những quốc gia trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ.

Các cựu Đại sứ Mỹ khẳng định các chương trình trên cũng mang lại lợi ích cho chính an ninh quốc gia Mỹ, bằng cách giảm nguy cơ phổ biến vật liệu nổ cho những kẻ xấu tiềm tàng có thể tái sử dụng vì mục đích bất chính của chúng, mà có thể dẫn đến bạo lực hoặc bất ổn. Mặt khác, nếu không được dọn sạch, bom mìn và UXO còn đe dọa đến tính mạng của nhân viên người Mỹ trong khu vực, nhà thầu và nhân viên cứu trợ.

Cùng với đó, bức thư nhấn mạnh quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam, Lào và Campuchia về các vấn đề quan trọng, trong đó bao gồm rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin và tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA), không chỉ giúp chữa lành vết thương trong quá khứ mà còn thúc đẩy hòa giải và mở rộng hợp tác về quốc phòng, tăng trưởng kinh tế và giao lưu nhân dân.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, yêu cầu tạm dừng viện trợ phát triển nước ngoài trong 90 ngày để đánh giá mức độ hiệu quả và phù hợp của các chương trình này với chính sách đối ngoại của ông. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã đóng băng gần như tất cả các khoản viện trợ nước ngoài, có hiệu lực ngay lập tức, chỉ miễn trừ cho việc viện trợ lương thực khẩn cấp và viện trợ quân sự nước ngoài cho Israel và Ai Cập.

TRẦN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.