QĐND - Trong một thông báo đưa ra ngày 3-5, Google cho biết đã ghi tên nước "Pa-le-xtin" trên trang chủ của hãng này. Cùng ngày, Đan Mạch và Phần Lan thông báo đã cấp quy chế ngoại giao cho đại diện chính thức của Pa-le-xtin với "những đặc quyền" tương tự như đại diện các nước khác. Đây được coi là những thông tin vui đối với Pa-le-xtin, đặc biệt kể từ khi Pa-le-xtin được Đại hội đồng LHQ công nhận quy chế nhà nước quan sát viên tại LHQ vào cuối năm ngoái.
Thông báo của Google cho biết, hãng này đã ghi tên nước "Pa-le-xtin" trên công cụ tìm kiếm và các sản phẩm khác thay vì "Lãnh thổ của người Pa-le-xtin" như trước. AP dẫn lời người phát ngôn của hãng Google Na-tan Tai-lơ (Nathan Tyler) khẳng định Google đang tiến hành thay đổi từ "Lãnh thổ của người Pa-le-xtin" thành "Pa-le-xtin" trên các sản phẩm của mình.
Thay đổi của Google cũng đồng nghĩa với việc người dùng khi truy cập vào tên miền www.google.ps của công cụ tìm kiếm Google dành cho Pa-le-xtin, sẽ thấy trang chủ mới với dòng chữ "Pa-le-xtin" (bằng tiếng A-rập) ở dưới biểu tượng Google. Thay đổi này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-5.
Google cho biết, việc đặt tên nước thường dựa trên tham khảo từ nhiều nguồn và các nhà chức trách. Cụ thể, trường hợp của Pa-le-xtin dựa theo những thay đổi đã được LHQ và các tổ chức quốc tế khác thực hiện trước đó.
 |
Người dân Pa-le-xtin đổ xuống đường ăn mừng sau khi Pa-le-xtin được công nhận quy chế nhà nước quan sát viên tại LHQ ngày 29-11-2012. (ảnh: AP) |
Các nhà chức trách Pa-le-xtin đã bắt đầu sử dụng tên gọi "Nhà nước Pa-le-xtin" trong các thư từ ngoại giao và phát hành các bộ tem chính thức sau khi Pa-le-xtin được Đại hội đồng LHQ công nhận quy chế nhà nước quan sát viên tại LHQ vào ngày 29-11-2012. Đến ngày 6-1-2013, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút áp-bát (Mahmud Abbas) đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên Chính quyền Pa-le-xtin thành "Nhà nước Pa-le-xtin".
Theo Thời báo Niu Y-oóc, phản ứng trước thay đổi của Google, người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-xra-en Y.Pan-mơ (Y. Palmor), cho rằng Google không phải là một thực thể ngoại giao do đó không nên tham dự vào các vấn đề quốc tế cũng như các vấn đề gây tranh cãi khác. Được biết, hiện Google có một trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn đặt tại I-xra-en.
I-xra-en và Mỹ nằm trong số ít các quốc gia bỏ phiếu chống khi Pa-le-xtin đề nghị LHQ công nhận quy chế nhà nước quan sát viên.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút áp-bát lại gọi động thái của Google là “một bước đi đúng hướng”.
Theo một thông tin khác, tại cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao các nước Bắc âu tại thủ đô Xtốc-hôm (Thụy Điển) ngày 3-5, Ngoại trưởng Đan Mạch Vin-li Xôn-đan (Villy Sovndal) và Ngoại trưởng Phần Lan éc-ki Tu-ô-mi-ô-gia (Erkki Tuomioja) thông báo Chính phủ Đan Mạch và Phần Lan đã quyết định cấp quy chế ngoại giao cho đại diện chính thức của Pa-le-xtin.
Ngoại trưởng Đan Mạch Vin-li Xôn-đan cho biết, quyết định này hoàn toàn phù hợp với sự công nhận của Đan Mạch đối với quyền của người Pa-le-xtin thành lập nhà nước độc lập. Phía Đan Mạch cũng bày tỏ hy vọng việc cấp quy chế ngoại giao này sẽ là động lực thúc đẩy ban lãnh đạo Pa-le-xtin trở lại các cuộc đàm phán hòa bình với I-xra-en.
Bên cạnh đó, Chính phủ Đan Mạch cũng quyết định dành cho chính quyền Pa-le-xtin một khoản hỗ trợ tài chính bổ sung với tổng trị giá 21 triệu USD để Pa-le-xtin chi tiêu trong lĩnh vực công, chẳng hạn như trả lương hưu và phúc lợi xã hội.
Trước Đan Mạch và Phần Lan, tại châu âu đã có hai quốc gia là Thụy Sĩ và Na Uy thực hiện việc cấp quy chế ngoại giao cho đại diện Pa-le-xtin. Một số nước như Thụy Điển, Bun-ga-ri, CH Séc, Hung-ga-ri, Man-ta, Ba Lan, Ru-ma-ni, Xlô-va-ki-a và CH Síp cũng đã nâng cấp quy chế văn phòng đại diện của Pa-le-xtin tại những nước này lên cấp đại sứ quán.
ANH VŨ