Hãng tin TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận diễn ra tại Quân khu phương Nam, trong đó giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận tập trung vào các khoa mục thực hành công tác chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cuộc tập trận cũng sẽ bao gồm việc trang bị vũ khí hạt nhân cho các tên lửa phóng từ trên không, bao gồm cả tên lửa siêu thanh Kinzhal hiện đại. Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và tên lửa hành trình Kh-32 phóng từ máy bay ném bom của Nga có khả năng mang đầu đạn tương tự đầu đạn gắn trên Iskander.

Cụ thể, quân đội Nga sẽ sử dụng hệ thống Iskander-M, có thể bắn tên lửa đạn đạo 9M723-1 hoặc tên lửa hành trình 9M728, cả hai đều có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ 5 kiloton đến 50 kiloton. Một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy kíp vận hành của một số hệ thống Iskander-M đang lắp tên lửa để chuẩn bị cho một vụ phóng.

Báo The Guardian cho biết, Nga sở hữu nhiều hệ thống vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, nghĩa là những đầu đạn được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, trái ngược với những đầu đạn chiến lược có thể quét sạch cả thành phố. Không giống như vũ khí chiến lược vốn tuân theo các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ, vũ khí chiến thuật chưa bao giờ bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước nào như vậy và Nga chưa công bố số lượng cũng như bất kỳ chi tiết nào khác về chúng.

leftcenterrightdel
Các quân nhân Nga thao tác trên hệ thống phóng tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn đầu của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật. (Ảnh từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 21-5). Ảnh: Reuters 

Quân khu phương Nam, nơi diễn ra cuộc tập trận, bao gồm phần phía Nam của nước Nga thuộc châu Âu, chủ yếu nằm giữa Biển Đen và Biển Caspi, đồng thời bao gồm tổng cộng 19 khu vực, trong đó có bán đảo Crimea và 4 vùng Ukraine mà Nga sáp nhập năm 2022. Nước đồng minh Belarus của Nga cũng tham gia cuộc tập trận.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh cuộc diễn tập nhằm bảo đảm rằng các đơn vị và thiết bị sẵn sàng cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong chiến đấu để đáp trả và bảo đảm vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Liên bang Nga trước những tuyên bố khiêu khích và mối đe dọa của các quan chức phương Tây. 

Bộ Ngoại giao Nga trước đó cho biết, cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật sẽ gửi đi thông điệp thức tỉnh đến các nước đồng minh, đối tác của Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga hy vọng những cuộc tập trận này sẽ làm dịu đi “những cái đầu nóng ở phương Tây”, đồng thời cảnh báo phương Tây nên nhận ra “những hậu quả thảm khốc tiềm tàng của những rủi ro chiến lược mà họ đang tạo ra” và ngừng đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.

Reuters dẫn lời ông Nikolai Sokov, cựu quan chức kiểm soát vũ khí của Liên Xô, nói rằng: “Các cuộc tập trận rõ ràng là một tín hiệu đáp lại cuộc thảo luận về việc triển khai lực lượng quân sự của các nước NATO đến Ukraine”. Ông đánh giá quân đội phương Tây sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận và tìm cách đưa ra kết luận về việc họ sẽ có bao nhiêu thời gian cảnh báo nếu Nga thực sự triển khai những vũ khí như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tháng này đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị tập trận hạt nhân chiến thuật trước tình hình chiến sự ở Ukraine leo thang chưa từng có và một số lãnh đạo phương Tây đưa ra những phát biểu nguy hiểm. Theo báo The Guardian, các quan chức Nga mô tả đây là cảnh báo của nhà lãnh đạo Nga đối với phương Tây để không tiếp tục leo thang căng thẳng. Trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố phương Tây không loại trừ phương án đưa quân đến Ukraine, còn Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố Kiev có quyền sử dụng vũ khí do Anh viện trợ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Trong một động thái liên quan, ngày 22-5, theo RT, ông Artem Studennikov, Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moscow phải “xem xét nghiêm túc” mọi phát biểu của Tổng thống Macron về khả năng triển khai binh sĩ đến Ukraine, dù đề xuất này không nhận được sự ủng hộ từ phần lớn nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU). Quan chức này nhấn mạnh, nếu kịch bản này trở thành hiện thực, động thái phản ứng của Nga sẽ quyết liệt và không chỉ giới hạn về mặt chính trị.

Ông còn cho biết thêm, Nga đã nhiều lần cảnh báo trực tiếp với phía Pháp về vấn đề này. Theo ông, sự can dự của Pháp vào chiến sự Ukraine sẽ biến nước này thành bên tham chiến, tăng đáng kể nguy cơ xung đột trực diện giữa hai cường quốc hạt nhân.

XUÂN PHONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.