Theo đó, chính quyền Mỹ đã thông báo cho Quốc hội nước này về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm. Việc nối lại các thỏa thuận mua bán vũ khí có thể được tiếp tục sớm nhất vào tuần tới. "Saudi Arabia đã thực hiện đúng cam kết của họ và chúng tôi cũng chuẩn bị thực hiện đúng cam kết của mình", một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden nói với Reuters.

Luật pháp Mỹ quy định, các thỏa thuận vũ khí quốc tế lớn phải được các thành viên Quốc hội xem xét trước khi chúng được hoàn tất. Các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa từng phản đối các thương vụ bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia trong những năm gần đây, trích dẫn các vấn đề bao gồm thương vong của dân thường trong chiến dịch của nước này ở Yemen và một loạt mối quan ngại về nhân quyền. Sự phản đối đó đã dịu đi trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang bên miệng hố chiến tranh, cũng như những thay đổi của Saudi Arabia trong cách tiến hành chiến dịch ở Yemen.

leftcenterrightdel

Bom MK-83 của Mỹ nằm trong số các loại vũ khí từng được bán cho Saudi Arabia. Ảnh: Reuters 

Washington cũng đang đàm phán hiệp ước quốc phòng và thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Riyadh như một phần của thỏa thuận lớn với kỳ vọng Saudi Arabia sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, song đây vẫn là một mục tiêu khó nắm bắt.

Tổng thống Biden đã áp dụng lập trường cứng rắn và ngừng bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia từ năm 2021, với lý do là chiến dịch quân sự của nước này chống lại lực lượng Houthi ở Yemen gây thương vong nặng nề cho dân thường. Tuy nhiên, hiện tại, liên minh quân sự của Mỹ và các đối tác cũng đang tích cực đẩy mạnh các cuộc tấn công Houthi trong bối cảnh lực lượng này không ngừng uy hiếp an toàn hàng hải trên Biển Đỏ nhằm bày tỏ ủng hộ đối với cuộc chiến chống Israel của Hamas ở dải Gaza.

HIỀN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.